• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Phần I: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp qua các nhiệm kỳ

 

 

1. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ

Trước năm 1945, Việt Nam không có Hiến pháp. Từ sau khi thành lập Nhà nước Cộng hòa đầu tiên, lịch sử Việt Nam ghi nhận 4 bản Hiến pháp đã được ra đời trong các năm 1946, 1959, 1980, 1992 (đã được sửa đổi vào năm 2001)

Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lí đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật.

Cuốn sách đăng tải toàn văn các Hiến pháp từ năm 1946, 1959, 1980, 1992. Đặc biệt, đăng toàn văn Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội.

Cuốn sách “Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ” do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội phối hợp với Nhà sách Thăng Long xuất bản năm 2013; 339 trang; khổ 21cm

Kí hiệu phân loại: 342.59702/H305P

Kí hiệu kho:  TC2910; TC2911; MT29809; MT29810

 

2. Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập I (1946 - 1960)

Việt Nam là một nước văn hiến từ ngàn xưa. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 6/1/1946, thực hiện Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, nhân dân ta đã sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí và trí tuệ của dân tộc, bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Cuốn sách giới thiệu lịch sử ra đời, tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam từ Quốc dân đại hội Tân Trào, trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc (1946 - 1954), những năm đầu xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1960)

Cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập I  (1946 – 1960)” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản năm 2016; 419 trang; khổ 24cm

Kí hiệu phân loại: 328.597/L302S

Kí hiệu kho: TC3164

 

3. Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập II (1960 - 1976)

Quốc hội ra đời từ cuộc bầu cử ngày 6/1/1946, sau 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã hoàn thành nhiệm vụ mà lịch sử giao phó. Ngày 8/5/1960, thực hiện quyết định của Ban thường vụ Quốc hội khóa I, nhân dân miền Bắc đã đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa II. Đại biểu Quốc hội khóa I do các tỉnh miền Nam bầu được Quốc hội quyết định lưu nhiệm trong nhiệm kỳ II và III nhằm khẳng định sự thống nhất đất nước và khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện quyền và nghĩa vụ của đồng bào miền Nam đối với vận mệnh chung của đất nước.

Cuốn sách giới thiệu về lịch sử phát triển, tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ khóa II đến khóa V theo quyết định của Hiến Pháp 1959. Quốc hội đã bầu các cơ quan và chức danh lãnh đạo Nhà nước cao cấp, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) và các kế hoạch kinh tế ngắn hạn, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật.

Cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập II (1960 - 1976)” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản năm 2016; 535 trang; khổ 24cm

Kí hiệu phân loại: 328.597/L302S

Kí hiệu kho: TC3165

 

4. Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập III (1976 - 1992)

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Yêu cầu cấp bách sau ngày toàn thắng là nhanh chóng thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Vì vậy, tháng 11/1975, đoàn đại biểu hai miền Nam - Bắc đã họp Hội nghị hiệp thương chính trị tại thành phố Hồ Chí Minh quyết nghị “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất”. Vì vậy, Hội nghị hiệp thương chính trị quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung thống nhất. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước sau lần đầu tổ chức ngày 6/1/1946.

Cuốn sách giới thiệu về lịch sử phát triển, tổ chức, hoạt động chủ yếu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khóa VI đến khóa VIII (1976 - 1992), hoạt động trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức. Với nhiều dấu ấn quan trọng trong ba khóa làm việc như: Quyết định tên nước, quy định Quốc kỳ, Quốc huy… Quốc hội Việt Nam đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ lịch sử trọng đại, từng bước đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức trên hành trình tìm kiếm con đường đổi mới.

Cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập III (1976 - 1992)” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản năm 2016; 639 trang; khổ 24cm

Kí hiệu phân loại: 328.597/L302S

Kí hiệu kho: TC3166

 

5. Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập IV (1992 - 2011)

Đai hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã mở ra một bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, với việc thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 5 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn, nhất là những tác động tiêu cực do sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và các nước Đông Âu.

Cuốn sách giới thiệu về lịch sử phát triển, tổ chức, hoạt động chủ yếu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khóa IX đến khóa XII (1992 - 2011). Cơ cấu đại biểu Quốc hội có nhiều thay đổi quan trọng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội được nâng cao và toàn diện hơn, đặc biệt là tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được đề cao. Với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước, Quốc hội khóa IX, X, XI và XII đã ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập hiến; lập pháp; giám sát tối cao với toàn bộ hoạt động của đất nước… Những đóng góp của Quốc hội trong bốn khóa đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập IV (1992 - 2011)” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản năm 2016; 985 trang; khổ 24cm

Kí hiệu phân loại: 328.597/L302S

Kí hiệu kho: TC3167

 

6. Tổ chức Nhà nước Việt Nam (1946 - 2007)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc ta nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong quá trình xây dựng, bảo vệ, củng cố và phát triển không ngừng, Nhà nước ta đã thể hiện rõ bản chất tiến bộ và dân chủ trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc. Từ khi ra đời đến nay, Nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc cơ bản, quyền lực Nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân. Mọi thiết chế tổ chức bộ máy nhà nước đều thể hiện sự tập trung quyền lực của nhân dân.

Cuốn sách nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của tổ chức bộ máy Nhà nước, là công việc cần thiết góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta hiện nay. Giới thiệu những tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam, đây là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tổ chức của Quốc hội qua các giai đoạn 1945 - 2007; Chủ tịch nước ; Tổ chức của Chính phủ, Hội đồng Bộ trưởng ; Tổ chức chính quyền địa phương ; Tổ chức của Tòa án nhân dân, Viện kiểm soát.

Cuốn sách “Tổ chức Nhà nước Việt Nam (1946 - 2007)” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2007; 671 trang; khổ 24cm.

Kí hiệu phân loại: 34(V)12/T450C

Kí hiệu kho: VT4339; VT4340

 

7. Hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam trong cơ chế giám sát quyền lực Nhà nước

Cùng với chức năng lập hiến, lập pháp và chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội nước ta đã được Hiến phát, Luật tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan ghi nhận. Đây là cơ chế để Quốc hội triển khai thực hiện chức năng giám sát trên thực tế. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, hoạt động giám sát của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một phương thức thể hiện quyền lực Nhà nước cao nhất của Quốc hội và góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Cuốn sách tập trung luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn cơ chế giám sát quyền lực Nhà nước và hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam (có tham chiếu mô hình của một số nước trên thế giới), để thấy được những ưu điểm và hạn chế, thuận lợi và thách thức đặt ra đối với việc giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước ở Việt Nam, đồng thời nêu ra những giải pháp để hoàn thiện cơ chế này.

Cuốn sách “Hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam trong cơ chế giám sát quyền lực Nhà nước” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2015; 470 trang; khổ 24cm

Kí hiệu phân loại: 328.597/H411Đ

Kí hiệu kho: VT7370

 

8. Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 20 tháng 11 năm 2015 và có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2015. Luật gồm 91 điều.

Cuốn sách Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân” gồm 5 chương:

Chương I: Những quy định chung: Từ Điều 1 đến Điều 10, những quy định chung về Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Chương II: Giám sát của Quốc hội: Từ Điều 11 đến Điều 56, những quy định về giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước gồm: Theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động tuân theo Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; Theo dõi, xem xét, đánh giá việc xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; Theo dõi, xem xét, đánh giá vấn đề tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.

Chương III: Giám sát của Hội đồng nhân dân: Từ Điều 57 đến Điều 87, những quy định về Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

Chương IV: Bảo đảm hoạt động giám sát: Từ Điều 88 đến Điều 90, những quy định về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát; Bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; Bảo đảm kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát cảu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Chương V: Điều Khoản thi hành: Điều 91 quy định về hiệu lực thi hành.

Cuốn sách “Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân” do Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2018; 143 trang, khổ 19cm

Kí hiệu phân loại: 342.597002632/L504H

Kí hiệu kho: TC3117; MT45856; MT45857; MT45858

 

9. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương (Sửa đổi, bổ sung)

Cuốn sách được chia làm 8 phần:

Phần thứ nhất: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân & Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Phần thứ hai: Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Phần thứ ba: Quy định số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên ủy ban nhân dân các cấp

Phần thứ tư: Nâng cao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Phần thứ năm: Công tác mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản trong cơ quan sự nghiệp công lập

Phần thứ sáu: Quản lý tài chính, phân bổ ngân sách, sử dụng, quyết toán kinh phí trong Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp

Phần thứ bảy: Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung) - Luật dân quân tự vệ - Luật Lực lượng dự bị động viên

Phần thứ tám: Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Cuốn sách “Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương (Sửa đổi, bổ sung)” do Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2020; 400 trang; khổ 28cm

Kí hiệu phân loại: 342.59707/L504B

Kí hiệu kho: VT8404

 

10. Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.

Cuốn sách gồm hai phần

Phần thứ nhất: Lệnh số 22/2003/L-CTN ngày 10/12/2003 của Chủ tịch nước về việc công bố Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Phần thư hai: Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật được chia làm X chương với 79 điều.

Cuốn sách “Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2003; 57 trang; khổ 19cm.

Kí hiệu phân loại: 34(V)041.1/LL504B

Kí hiệu kho: VV28817; VV28818; TC17147; TC1718; MV14820;MV14921

 

11. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa, đổi mới và phát triển

Cuộc Tổng tuyên cử năm 1946 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhẩy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Để nhìn lại những thành tựu của 13 khóa Quốc hội trong suốt chặng đường 70 năm lịch sử, đặc biệt là sự tiếp tục kế thừa, đổi mới, phát triển, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp xuất bản cuốn sách “Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Kế thừa, đổi mới và phát triển”.

Cuốn sách gồm 5 chương:

Chương I: Kế thừa, đổi mới và phát triển về tổ chức Quốc hội

Chương II: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động lập hiến, lập pháp

Chương III: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Chương IV: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động giám sát

Chương V: Kế thừa, đổi mới và phát triển trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế

Cuốn sách “Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam -  Kế thừa, đổi mới và phát triển” xuất bản năm 2016; 576 trang; khổ 27cm

Kí hiệu phân loại: 328.597/QU-514H

Kí hiệu kho: TC3210

 

 

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP