• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Trang phục cổ truyền của người HMông Hoa ở tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 04/09/2018 7:28:19 SA

 

         Dân tộc HMông là một thành viên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cùng với 53 dân tộc, người HMông là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm phong phú nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

 

 

 

Người HMông được phân biệt thành nhiều nhóm: HMông Đơ (HMông Trắng), HMông Đu (HMông Đen), HMông Lềnh (HMông Hoa), HMông Si (HMông Đỏ), HMông Dua (HMông Xanh), HMông Xúa (HMông Mán) và nhóm Na Mẻo. Về ngôn ngữ và văn hoá của các nhóm tộc người này cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục.

Huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu là hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, là nơi người HMông sống tập trung đông nhất. Người HMông nơi đây còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa tộc người đặc sắc, chưa chịu nhiều sự tác động biến đổi của quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa trên nhiều bình diện của đời sống xã hội như ở một số vùng khác. Những điều kiện tự nhiên cụ thể cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc sử dụng nguyên liệu làm trang phục, cách thức tạo kiểu dáng cũng như cách trang trí y phục. Nghiên cứu về trang phục cũng chính là nghiên cứu về lịch sử và văn hóa tộc người; vừa nghiên cứu văn hóa vật thể, vừa nghiên cứu văn hóa phi vật thể của người HMông.

Nằm trong Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chủ trì, cuốn sách “Trang phục cổ truyền của người HMông Hoa ở tỉnh Yên Bái” của tác giả Trần Thị Thu Thủy giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về truyền thống văn hóa giàu có và độc đáo của người HMông Hoa của tỉnh Yên Bái thông qua trang phục cổ truyền. Sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2017, gồm 299 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm. Cuốn sách cũng là công trình nghiên cứu khoa học bảo vệ Luận án tiến sĩ Lịch sử của tác giả năm 2004.

Nội dung sách nghiên cứu trang phục của người HMông Hoa trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ nguyên liệu, dụng cụ, quá trình làm trang phục… qua khảo sát chính ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải và thông qua trang phục, tìm hiểu đời sống văn hóa của người HMông Hoa. Dưới góc độ tiếp cận lịch sử, tác giả đã đề cập đến ý nghĩa của từng bộ phân trên trang phục gắn với lịch sử ra  đời của nó qua các truyền thuyết có nguồn gốc từ các hoa văn cổ của Trung Quốc. Từ đó so sánh trang phục của người HMông khác ở Yên Bái với một số nơi khác để thấy được sự khác nhau giữa các nhóm trong cùng một tộc người trên những vùng cư trú khác nhau. Đồng thời đưa ra những định hướng trong việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của người HMông.

Cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Người HMông Hoa ở tỉnh Yên Bái.

Chương 2: Trang phục cổ truyền của người HMông Hoa ở tỉnh Yên Bái.

Chương 3: So sánh trang phục của người HMông Hoa ở Yên Bái với các nhóm HMông Hoa khác.

Sách hiện đang được phục vụ  tại Phòng Địa chí, Thư viện tỉnh Yên Bái.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

                                                                         Phạm Lan Hương

Phòng Địa chí

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP