• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Những tấm gương hiếu học xưa và nay
Ngày xuất bản: 10/07/2018 3:39:27 SA

 

            Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, hiếu học đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua mọi thăng trầm của lịch sử, truyền thống hiếu học là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đưa nhân dân ta đi qua những năm tháng gian khổ, đến một tương lai tươi sáng.

Với ý thức: “Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện” (Học không biết chán, dạy người không biết mỏi), ông cha ta dù nghèo mấy cũng cố cho con đi học lấy chữ để làm người. Lịch sử dân tộc đã từng biết đến rất nhiều những tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng như: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Và cũng trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều những tấm gương nghèo khó nhưng hiếu học, họ đã biết vượt trên hoàn cảnh, vươn lên trong học tập và đạt được những thành tích nổi bật.

          Từ xưa đến nay vấn đề học tập luôn luôn được mọi người xem trọng và đầu tư. Bởi đầu tư cho giáo dục chính là sự đầu tư lâu dài, trực tiếp tích tụ tri thức cho con người. Ở mỗi thời đại đều có tấm gương ham học, vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để đạt được kết quả cao nhất .                                  

Với mục đích giới thiệu những tấm gương hiếu học tiêu biểu xưa và nay đến đông đảo bạn đọc, đặc biệt là các bạn đang là học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chuyên mục sách hay kỳ này, Thư viện tỉnh Yên Bái chúng tôi lựa chọn giới thiệu tới bạn đọc yêu quý cuốn sách: “Những tấm gương hiếu học xưa và nay” do B.s Nguyễn Ngọc Thanh (chủ biên) được NXB Văn học ấn hành năm 2016, dày 310 trang, khổ 21 cm, số ĐKCB: VV370922.

 

 

Nội dung của cuốn sách: “Những tấm gương hiếu học xưa và nay” được chia làm 2 phần lớn với 2 thời kỳ, mỗi thời kỳ lựa chọn giới thiệu tới bạn đọc 10 nhân vật hiếu học và tiêu biểu nhất. Trong số rất rất nhiều những tấm gương vượt khó đã vươn lên trong học tập:

Phần thứ nhất: 10 tấm gương hiếu học thời Trung đại (1010 - 1858) như: Lê Văn Thịnh (Vị Trạng nguyên khai khoa); Nguyễn Hiền (Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất); Lê Quát - Trạng Quyét (Gương sáng mài sắt nên kim); Mạc Đĩnh Chi; Nguyễn Nghiêu Tư; Lương Thế Vinh; Nguyễn Giản Thanh; Nguyễn Quán Nho; Nguyễn Văn Siêu; Cao Bá Quát – Thánh Quát

Phần thứ hai: Những tấm gương hiếu học thời kỳ Cận hiện đại (10 tâm gương hiếu học thời Cận đại và 10 tấm gương thời Hiện đại) như: Đào Duy Anh; Tạ Quang Bửu; Phan Bội Châu ; Nguyễn Đình Chiểu; Dương Quảng Hàm; Trương Vĩnh Ký; Nguyễn Khuyến; Đặng Thai Mai; Nguyễn Trường Tộ; Phan Chu Trinh; Nguyễn Ngọc Ký; Nguyễn Công Hùng; Nguyễn Ánh Ngọc; Nguyễn Minh Phú; Nữ giáo sư trẻ Nguyễn Ngọc Lưu Ly; Trương Nguyện Thành; Lê Kim Ngọc; Nguyễn Sơn Lâm; Chử Đức Liêm; Vừ Mí Kỵ.

Đó là những con người, những tấm gương đã vượt qua những hoàn cảnh khó khăn của gia đình, đất nước để học tập và đạt được những thành tích nổi bật, vang danh trong lịch sử dân tộc Việt Nam và làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường Quốc tế. Hy vọng rằng cuốn sách: Những tấm gương hiếu học xưa và nay sẽ đem đến cho bạn đọc nhất là thế hệ trẻ những động lực để vượt qua hoàn cảnh, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước để nước ta “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Trân trọng giới thiệu tới đông đảo bạn đọc!

                                              Trần Thị Thủy

Phòng phục vụ bạn đọc

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP