• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Âm nhạc ở quanh ta
Ngày xuất bản: 22/08/2017 5:09:15 CH

              Âm nhạc đã gắn liền mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của đời người, từ lúc chào đời đến khi giã từ cuộc sống. Đó là những khúc hát ru thuở ban đầu; những bài đồng dao khi khôn lớn, những bài hát vui, dí dỏm trong các trò chơi trẻ thơ; những bài hát giao duyên, tỏ tình khi trưởng thành; những bài ca sinh hoạt; những bài nhạc hiệu xuất trận; những bài hát trong lao động học tập và những khúc hát tiễn đưa con người trở về với cát bụi…

Không những vậy, âm nhạc còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về các mối quan hệ xã hội, quan hệ huyết thống và luân lý đạo đức đời thường. Âm nhạc là nguồn cảm hứng nội tâm, có khả năng tạo ra sự sung mãn về tâm hồn, nâng cao ý chí nghị lực trong cuộc sống. Điều đáng nói là âm nhạc tạo nên những cung bậc tình cảm rất tinh tế, thuần hóa tâm thức, đưa con người về với nhân cách vốn có của mình.

Trăn trở trước tình trạng những bài hát, những sách giáo dục về âm nhạc cho trẻ em vẫn còn quá ít, năm 1987 nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết cuốn: “ Âm nhạc ở quanh ta” gồm chín phần ngắn về các vấn đề chung của nghệ thuật âm nhạc, cung cấp cho các em nhiều tư liệu phong phú về âm nhạc, giúp các em thêm hứng thú trong sinh hoạt ca hát của mình. Đây được coi như là cuốn giáo khoa vỡ lòng về âm nhạc cho các em, và cả cho người lớn, đặc biệt là cho các anh chị phụ trách Đội. Trong cuốn sách này, nhạc sĩ nêu lên một hệ thống và khoa học những kiến thức cơ bản về âm nhạc: Sự hình thành cảm hứng sáng tác của người nghệ sĩ, lịch sử phát triển, các nguyên lí cơ bản, các xu hướng âm nhạc hiện đại, cách hưởng thụ và thưởng thức âm nhạc…Đến nay, những kiến thức được ông viết ra trong cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12 tháng 1 năm 1930, quê ở thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Hưng (nay là Hải Dương). Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên, có lẽ trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hiếm có tác phẩm nào có sức sống mãnh liệt như các sáng tác của ông.  Có những bài hát của ông được viết ra trong lúc phấn khởi, dạt dào xúc cảm; cũng có bài hát được viết ra như một sự động viên chính mình; nhưng lại có những bài viết ra như tiên liệu cho một chiến thắng chói lọi của dân tộc. Đó là Phạm Tuyên, người nhạc sĩ tài hoa được giới chuyên môn ví là người “viết sử bằng âm nhạc”.

Nhiều người coi Phạm Tuyên là người viết sử bằng âm nhạc bởi bất cứ một sự kiện lớn nào của đất nước người ta đều thấy bóng dáng trong tác phẩm của ông. Đó là “Hà Nội – Điện Biên Phủ” bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu, được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết dưới hầm trú bom của Đài Tiếng nói Việt Nam đêm 27/12/1972 giữa lòng Thủ đô rực lửa. Tác phẩm có đoạn rắn rỏi, kiên định: “ Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi. Đoạn lại hào hùng như tha thiết: Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa”. Tác phẩm như lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng.

Từ những bài hát nhuốm màu thời gian “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, “Chiếc gậy Trường Sơn” đến nhưng bài hát không tuổi “Như có Bác trong ngày đại thắng”, ca khúc Phạm Tuyên luôn chạm đến trái tim của người yêu nhạc nước nhà. Nhạc sĩ Pham Tuyên thường nói rằng, với ông, âm nhạc đến tự nhiên như hơi thở cuộc sống, và mạch nguồn cảm xúc để ông cho ra đời những đứa con tinh thần ấy luôn đến từ những điều giản dị nhất.

Bên cạch đó, Ông cũng có sáng tác nhiều cho lớp trẻ. Nhiều bài hát thiếu nhi đã trở thành bài truyền thống qua nhiều thế hệ như: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Đêm pháo hoa, Cô và mẹ,...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: "Trong những năm cuối đời, tôi luôn luôn muốn động viên lực lượng sáng tác trẻ. Nên hiểu rằng âm nhạc có mấy chức năng cao quý, một là chức năng động viên, giáo dục người ta, hai là chức năng giải trí, thì gần đây trong những năm hòa bình lập lại mình hơi đề cao quá, tập trung quá vào chức năng giải trí, cho nên là nghe âm nhạc hiện nay tôi tin rằng những bài hát đấy chỉ một thời gian người ta quên thôi, nó không gắn bó với đất nước mấy"…

Để tri ân cũng như vinh danh những cống hiến của ông đối với âm nhạc Việt Nam:

Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng.

Năm 2012, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Những ngôi sao ca đêm, Từ Làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.

Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Âm nhạc ở quanh ta” của tác giả Phạm Tuyên, được Nxb. Kim Đồng ấn hành năm 2016, dày 182 trang, khổ 13x19 cm đang được phục vụ tại Phòng Thiếu nhi. Cuốn sách như một lời tri ân tới nhạc sĩ Phạm Tuyên và cũng là mang lại cho chúng ta một nhịp cầu để đến với âm nhạc.

 

                                                      Nguyễn Thị Hồng

                                                      Phòng Thiếu nhi

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP