• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Trạng Nguyên Việt Nam
Ngày xuất bản: 22/08/2016 7:37:16 SA

 

Tên Đĩa:                Trạng Nguyên Việt Nam 

Tác giả:                  Nhóm Ban Mai (biên soạn)

Hình thức:              Sách nói

Lĩnh vực:                Danh nhân 

Năm xuất bản:       2007

Nhà  xuất bản:        Nxb.Trẻ

Số tập:                     5 tập

Dung lượng :          702MB/1 đĩa

Nguồn :                   Phòng Đa Phương Tiện - Thư viện tỉnh Yên Bái 

 

 

Bạn đọc thân mến!

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh khác nhau của nhiều đối tượng bạn đọc khi tới thư viện. Với mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc đặc biệt là đối tượng độc giả là người khiếm thị,Thư viện tỉnh Yên Bái đã tiến hành bổ sung, xử lý và đưa ra phục vụ vốn tài liệu điện tử dành cho người khiếm thị, ngoài ra vốn tài liệu điện tử này cũng dành để phục vụ các đối tượng bạn đọc khác đặc biệt là các em thiếu nhi khi có nhu cầu sử dụng. Vốn tài liệu điện tử là dạng đĩa tiếng, với giọng đọc truyền cảm, sinh động giúp bạn đọc dễ nghe dễ hiểu nội dung.

Thư viện tỉnh Yên Bái trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Bộ đĩa: TRẠNG NGUYÊN VIỆT NAM do nhóm tác giả Ban Mai biên soạn của nhà xuất bản Trẻ.

Trạng nguyên là tinh hoa của đất nước, là những ngôi sao sáng chói, tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp muôn hình muôn vẻ của dân tộc. Đến với Bộ đĩa TRẠNG NGUYÊN VIỆT NAM, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về  lớp trí thức khoa bảng trong lịch sử Việt Nam: Thực tài, thực học và có tinh thần dân tộc, ý thức tạo dựng nền Đạo học Việt Nam.

 Nội dung bộ đĩa là những khám phá thú vị từ các nhà trí thức khoa bảng thời xưa, những tư chất quí giá của kẻ sĩ trên bước đường “Tầm sư học chữ” thuở thiếu thời. Bộ đĩa gồm 5 tập:

Tập 1 : Giúp bạn đọc tìm hiểu về 4 vị trạng nguyên

Trạng nguyên Lê Văn Thịnh “ Người Đại Việt học của người Đại Việt”, Ông  đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Ất mão niên hiệu Thái Ninh năm thứ 2 đời vua Lý nhân Tông. Ông  có lòng tự tôn rất cao, Ông muốn làm sáng tỏ cái đạo của người Đại Việt: Trên thuận với trời dưới thuận với đất, Con người cung kính thương nhau như anh em. Ông được coi là trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam.

Trạng nguyên Mạc Hiển Tích “Toán học âm dương”. Ông đỗ trạng nguyên năm Bính Dần niên hiệu Quả Hữu thứ 2-1086 đời vua Lý Nhân Tông. Ông là người uyên bác, thông minh, ham học hỏi, Ông rất thích học các phép tính và là người đầu tiên tìm hiểu về ẩn, dấu âm trong trò chơi ô ăn quan.

Trạng nguyên Bùi Quốc khái “Vũ trụ trong chiếc nón lá của người Việt”. Ông đỗ trạng nguyên Khoa ất Tỵ niên hiệu Trịnh Phù thứ 10 – 1885 đời vua Lý Cao Tông và là người say mê tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên từ nhỏ nên ông biết hình dung về vũ trụ từ rất sớm, khi còn là học trò ông đã tìm ra cách thức đo thời gian bằng cây sào.

Trạng nguyên Nguyễn Công Bình “Hồn vía của thiên nhiên”. Ông đỗ trạng nguyên năm Quý Dậu niên hiệu Kiến Gia thứ 3-1213 đời vua Lý Huệ Tông. Ông là người tìm ra bí mật cực lá của cây trinh nữ hay còn gọi là cây xấu hổ và Ông có nghề nuôi ong rất giỏi, mật ong của ông nổi tiếng là thơm ngon. Khi ông mất  một số nơi còn thờ ông như là ông tổ của nghề ong.

Tập 2: Giúp bạn đọc tìm hiểu về 3 vị trạng nguyên

Trạng nguyên Trương Hanh “Luật pháp phải vì dân”. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn niên hiệu Kiên Trung thứ 8 -1232 đời vua Trần Thái Tông là vị trạng nguyên đầu tiên của triều đại nhà Trần. Ông là người đề cập lập ra một hệ thống luật pháp phải vì dân, Ông làm quan đến chức Thị Lang Hàn lâm học sĩ và khi làm quan ông đã xử rất nhiều vụ án hợp với lòng dân.

Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang “Dân chúng hiền minh”. Ông đỗ trạng nguyên khoa Giám Ngọ niên hiệu Kiến Trung thứ 10-1234 đời vua Trần Thái Tông. Ông là người có những tìm hiểu rất lạ lùng về ánh sáng mặt trời và cũng chính là người giải thích được tại sao “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” đối với ông  những kinh nghiệm dân gian chứng tỏ rằng những tri thức có được đều sinh ra từ cuộc sống của dân chúng, những kinh nghiệm này được tích lũy qua bao thế hệ những ý nghĩ đấy được chín muồi trọn vẹn và được trở thành kinh nghiệm dân gian và những bậc hiền tài học sĩ cũng vậy họ cũng học tập, tích lũy dần các kiến thức dân gian và làm sáng cái đạo của mình . Ông làm quan đến chức Bộc xạ hàm đại tư không.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền “Phạt cái ác không bằng khuyến khích cái thiện”. Ông đỗ trạng nguyên khoa Đinh Mùi niên hiệu Thiên ứng chính bình thứ 16-1247 đời vua Trần Thái Tông  khi mới 13 tuổi. Là một nhân tài hiếm có, ông tự  học trong chùa và hiểu biết mọi điều rất sâu sắc. Đọc Kinh phật ông luận rằng: Nếu muốn con người tốt đẹp lên bằng cách loại bỏ những tật  xấu của con người thì không bao giờ loại bỏ được mà phải khuyến khích những điều tốt trong con người đó lên, một khi con người biết hướng đến điều tốt thì những ngọn lửa tội lỗi sẽ không bao giờ đuổi kịp họ. Ông là vị trạng nguyên trẻ nhất của nước Việt. Ông làm quan đến chức Thượng Thư bộ công

Tập 3: Giới thiệu tới bạn đọc 3 vị trạng nguyên

Trạng nguyên Trần Quốc Lặc “Tia chớp giải oan”. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong thứ 6-1256 đời vua Trần Thái Tông. Mẹ ông bị sét đánh chết và người làng cho rằng mẹ ông vì có tội nào đó nên thiên lôi mới trừng phạt, Để minh oan cho mẹ nên ngay từ khi còn nhỏ ông đã tìm hiểu tại sao lại có sét, sét từ đâu đến, tại sao sét lại phóng xuống và sau này người ta học theo cách của ông để tránh sét khi gặp mưa. Ông học giỏi và đề cao cái tâm của con người. Ông làm quan đến chức thượng thư, sau khi mất ông được nhà vua phong là Phúc thần hiệu Mạnh Đại Đạo Vương.

Trạng nguyên Trần Cố “Bí mật của niềm kiêu hãnh”. Ông đỗ Trạng nguyên  Khoa thi Bính Dần-1266 niên hiệu Thiện Long thứ 9 đời vua Trần Thánh Tông. Ngay từ nhỏ ông đã đề cao việc tự học ,đối với ông muôn học giỏi  thì trước hết phải có niềm kiêu hãnh về dân tộc mình. Niềm kiêu hãnh của các bậc hiền nhân cũng như trời đất đã dày công hun đúc cho mỗi người con Đại Việt. Ông làm quan đến chức Hiếu Sát Sứ.

Trạng nguyên Bạch Liêu “Những giọng nói kỳ lạ của thiên nhiên”. Ông đỗ trạng nguyên khoa thi Bính Dần-1266 niên hiệu Thiện Long thứ 9 đời vua Trần Thánh Tông. Ông là người say mê tìm hiểu các hiện tượng kỳ lạ và giúp người dân hiểu được các hiện tượng bình thường của tự nhiên chứ  không phải do ma quỷ, thần thánh tạo ra. Ông cũng là một vị quan rất thương yêu dân chúng, ông cho rằng: Có hệ thống luật pháp tốt thì không cần nhiều đến các vị quan cai trị. Sau khi mất ông được vua phong là phúc thần hiệu là Đường Cảnh Thành Hoàng Đại Vương một vị thần chuyên xua tà ma giúp dân chúng.

Tập 4:  Giúp bạn đọc tìm hiểu về  3 vị trạng nguyên

Trạng nguyên Đào Thúc “Bí mật chung của thế gian”. Ông đỗ trạng nguyên khoa thi năm Ất Hợi-1275 niên hiệu Bảo Phù thứ 3 đời vua Trần Thánh Tông từ  nhỏ ông đã say sưa tìm hiểu và nhận ra rằng: Một vật dù bị chia nhỏ như thế nào thì những hạt li ti ấy vẫn mang tính chất của vật ban đầu. Ông sẵn sàng chia sẻ bí quyết nghề đúc đồng gia truyền của mình cho dân chúng vì ông quyết rằng chúng ta phải dạy người khác những bí mật chúng ta biết được vì những bí mật chúng ta  biết được do người cha vĩnh cửu dạy chúng ta, chúng ta có nghĩa vụ dạy lại cho những người chưa biết khi đó ai ai trên thế gian này cũng được hưởng ấm no. Suốt cuộc đời làm quan của mình ông thường lấy bí quyết làng nghề của các vùng rồi dạy cho dân chúng các nơi chưa biết. Sau khi ông mất dân chúng nhiều nơi lập đền thờ coi ông như một vị Phúc thần.

          Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi “Thế gian luôn luôn hài hòa”. Ông đỗ trạng nguyên khoa thi năm Giáp Thìn-1304 niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời vua Trần Anh Tông giống như vị tổ 5 đời của mình là Trạng nguyên Mạc Hiển Tích. Ông say mê các phép tính từ nhỏ, năm 10 tuổi ông phát hiện ra phép tính kỳ lạ là khi chia với bất kỳ một vật nào, số nào cho một lượng, một số ít hơn 1 thì bao giờ cũng được kết quả nhiều hơn chính lượng mang đi chia.

          Trạng nguyên Đào Sư Tích “Y đạo như Thiên đạo”. Ông đố trạng nguyên năm Giáp Dần-1374 niên hiệu Long Khánh thứ 2 đời vua Trần Duệ Tông. Ông rất giỏi y thuật, Ông cho rằng: mỗi dân tộc đề có đủ những gì mà dân tộc đó cần, điều quan trọng là chúng ta có tìn vào những điều đó hay không. Y đạo cũng như thiên đạo bao trùm,nuôi sống và chữa lành cho mọi chúng sinh. Sau khi mất ông được dân chúng tôn là Thượng Đẳng Thần

Tập 5: Giúp bạn đọc tìm hiểu về 4 vị trạng nguyên

 Trạng nguyên Lưu Thúc Kiệm “Vạn vật đồng nhất thể bởi một đặc điểm”. Ông đỗ Trạng nguyên năm Canh Thìn-1400 niên hiệu Thánh Nguyên Thứ Nhất đời vua Hồ Quý Ly. Ông xem xét con người và sự liên quan với vạn vật và nhận một điều kỳ lạ rằng: Trong mỗi cá nhân con người không chỉ ẩn chứa những đặc điểm nguồn của loài người mà còn ẩn chứa tất thảy những đặc điểm nguồn của muôn vật trên thế gian, muôn vật đề có chung một nguồn cội.Ông là người đầu tiên quan tâm đến sự di truyền giữa các thế hệ và là người đầu tiên đề cập đến những đặc điểm nguồn chung của tự nhiên dành cho muôn loài.

Trạng nguyên Nguyễn Trực “Những nẻo đường tối của tâm lý con người”. Ông đỗ trạng nguyên năm Nhâm Tuất-1442 niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời vua Lê Thái Tông. Ông nghiên cứu về tâm lý cá nhân và tâm lý đám đông. Ông làm quan đến Hàn Lâm Viện Thị Giản. Ông viết rất nhiều sách, trong đó có cuốn Bảo An Lương Phương là sách về y học. Trạng nguyên Nguyễn Trực viết rằng tâm lý người bệnh chính là yếu tố quyết định để có thể chữa được bệnh tật hay không.

Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư “Không gian của người Đại Việt”. Ông đỗ trạng nguyên năm Mậu Thìn-1448 niên hiệu Thái hòa thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông. Từ nhỏ theo cha đi dựng nhà cho dân chúng ông đặc biệt quan tâm đến hình khối mà các khúc gỗ tạo ra trong không gian, ông thấy rằng không gian vô tận là quá sức đối với con người, con người không tìm thấy sự liên kết bé nhỏ của mình với vạn vật khi đứng trơ trọi giữa không gian bao la chính vì vậy những ngôi nhà đa giới hạn không gian lại làm cho con người tự tin hơn , ông là người đầu tiên phân tích rõ ràng và cụ thể hóa những cảm thức về Không gian của người Đại Việt. Ông làm quan đến An Phủ sứ hàng trực học sĩ, sau khi đi sứ nhà Minh ông được phong lên làm Lại Bộ Thượng Thư.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh “Thần khí của Đại Việt”. Ông đỗ Trạng nguyên năm Quý Mùi-                                 1463 niên hiệu Quan thuận thứ 4 đời vua Lê Thánh Tông. Ông giỏi toán từ nhỏ, Ông viết cuốn Đại thành toán pháp viết về những nguyên lý cơ bản của toán học, ông còn viết cuốn Khải minh toán học viết về những phép toán đơn giản mà thông dụng, sau này các triều đại đều dùng Khải Minh toán học vào các kỳ thi.

Thông qua bộ đĩa này bạn đọc sẽ nhận ra rằng, nếu nỗ lực học tập, chịu khó quan sát cuộc sống thường nhật thì rất có thể tinh thầnTrạng Nguyên trong mỗi người sẽ trỗi dậy, khi đó tự bản thân tự sẽ hiểu và cảm nhận được niềm kiêu hãnh của Tri thức Trạng Nguyên - Tri thức của dân tộc Việt Nam".

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Lê Thu Thủy

Phòng Tin học

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP