• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Lăng Bác Hồ
Ngày xuất bản: 17/07/2023 1:18:48 SA

 


         “Lăng Bác Hồ”, một cuốn truyện ký xinh xắn hơn 100 trang nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện xúc động xoay quanh sự đoàn kết, đồng lòng và cả quyết tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng Lăng Bác Hồ.

 

 

Sách của tác giả Tô Hoài, do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2010 ; Kí hiệu phân loại: 895.922803. Số ĐKCB:  TN39787; TN37379. Sách dày 111trang, khổ 21cm.

Cuốn truyện ký này mở đầu bằng dòng chữ “Non sông đất nước, tên chúng tôi là “NON”, đứng thứ nhất trong bốn chữ thiêng liêng ấy. Chúng tôi được gần Bác Hồ từ những ngày gian khổ ở hang Pắc Bó. Chúng tôi, những tảng đá trên núi cao”.

 Những dòng mở đầu ấy đã khéo léo giới thiệu nhân vật vô cùng đặc biệt trong cuốn sách này. Đó chính là “những tảng đá trên núi cao” và qua lời kể của tảng đá, chúng ta sẽ thấy được tình cảm mà tất cả mọi người dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc. Kể cả những sự vật tưởng như vô tri vô giác như tảng đá, gỗ, cát, sỏi… nhưng qua nghệ thuật nhân hóa của nhà văn Tô Hoài thì vạn vật đều có tình cảm với Bác Hồ kính yêu. Đó là tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng và hơn hết niềm tự hào khi được góp phần xây dựng ngôi nhà của Bác. 

Nhà văn Tô Hoài với tầm hiểu biết sâu sắc đã giúp bạn đọc hiểu hơn quá trình xây dựng Lăng Bác Hồ một cách chân thực mà cuốn hút. Bằng bút pháp tài tình, nhà văn Tô Hoài đã để nhân vật “tảng đá” đóng vai người kể chuyện theo lối mộc mạc, giản dị mà vô cùng sống động. Những phiến đá, những cây gỗ rồi cát, sỏi từ khắp mọi nẻo đường đất nước tụ họp về Thủ đô để xây lên ngôi nhà của Bác. Qua đó thể hiện tình cảm và sự kính trọng của toàn dân tộc Việt Nam, bất kể già trẻ gái trai, bất kể con người hay động, thực vật cũng luôn dành cho Bác. Có thể thấy rõ điều đó qua những đoạn văn vô cùng xúc động. “Chúng tôi sắp được đi làm nhà Bác Hồ và chúng tôi được ở bên Bác Hồ. Như khi xưa, Bác từ hải ngoại về lãnh đạo Cách mạng cả nước, Bác Hồ đã ở núi với chúng tôi. Nghĩ đến nỗi sung sướng ấy, lại cứ muốn giông gió phải lay động reo vui ngày đêm qua mặt đá cho hả. Phải rồi, duyên may của những tảng đá núi với Bác Hồ  không phải mới đến hôm nay, không phải chỉ từ hôm nay. Lâu rồi, chúng tôi đã được ở bên Bác Hồ”…

Phút đầu tiên gặp gỡ với người, chúng tôi bồi hồi, dù người gặp mặt ấy là cán bộ địa chất, một công nhân gra-ni-tô, một cụ già giỏi các loại đá. Bàn tay ai cũng tài tình, gượng nhẹ. Một mũi xà beng bẩy khẽ. Tảng đá nghiêng mình. Một nhát đẽo tìm khía vân đá đẹp. Ai cũng trân trọng, nâng niu từng ly. Đá với người đều hiểu biết, tôn trọng, quý mến lẫn nhau. Vì trách nhiệm với công việc đang làm”.

“Cuội được kén từ khắp ven suối vùng Tuyên Quang… Sỏi các nguồn nước núi Hồng đổ ra ngòi Thia qua Tân Trào - nơi Bác Hồ đã ở trong thời kỳ bí mật và lúc kháng chiến chống Pháp. Bây giờ chúng tôi lại được về với Bác Hồ. Học sinh trường Tân Trào nghe nói có cuộc kén cuội về xây Lăng Bác Hồ đã xin được như người lớn, vào suối tìm. Các bạn đeo giỏ, tay cầm miếng gỗ, có lỗ đục giữa. Đó là sáng kiến lựa cuội rất hay. Hòn nào bỏ lọt khít lỗ tròn, được qua cửa Vũ môn ấy, thế là trúng tuyển. Nghìn vạn hòn cuội đều tăm tắp, như hàng quân. Đá nghiền, đá cuội đứng xen xít vai quanh móng, không dẹt, không kênh, không khập khiễng, kết nối với móng công trình liền như đất thịt. Lăng Bác Hồ mang kỉ niệm lâu dài, không thể một viên đá lồi lõm tinh thần mà đứng đỡ móng được. Chúng tôi hứa đảm bảo được như thế. Thế là các đội công nhân đổ móng thả chúng tôi xuống quanh cọc móng. Chưa nện mà đã chắc như đanh”.

Qua những trang viết sống động, giàu hình ảnh và chân thực, nhà văn Tô Hoài đã giúp bạn đọc hình dung lại những năm tháng cả nước góp công góp sức và vượt qua bao khó khăn, trong đó có sự bắn phá ác liệt của bom Mỹ để xây lên công trình ai ai cũng mong chờ. Đặc biệt, qua tác phẩm này, bạn đọc còn hiểu rằng, không chỉ có con người mới có tình cảm và kính trọng và rất mực tự hào, vinh dự khi được “ở bên Bác” mà kể cả những vật vô tri vô giác như gỗ, đá, cát, sỏi cũng có tình cảm với Bác kính yêu và mong muốn được góp một phần thân mình vào ngôi nhà của Bác.

Không chỉ xoay quanh việc xây dựng Lăng Bác Hồ, nhà văn Tô Hoài còn để nhân vật “đá” kể những câu chuyện khác nói lên quá trình hoạt động Cách mạng và công lao của Bác. Có thể nói, truyện ký “Lăng Bác Hồ” của nhà văn Tô Hoài là một cuốn sách gieo vào lòng độc giả nhiều cảm xúc tốt đẹp. Cuốn sách hiện đang có sẵn tại thư viện tỉnh Yên Bái. Các em hãy đến và tìm đọc nhé!

Hoàng Hiền – Thế Quang

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP