• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 

1. Vốn tài liệu:  Số liệu tính đến tháng 4 năm 2023, vốn tài liệu của Thư viện tỉnh Yên Bái như sau:

Sách in: trên 300.000 bản (hàng năm bổ sung khoảng 3.000 tên với trên 10.000 bản)

Báo, tạp chí: 200 tên.

Sách cổ (Hán - Nôm, Thái cổ, Dao cổ): có 294 bản, trong đó có những cuốn sách có tuổi thọ cách đây từ 80 – 300 năm.

 2. Tài liệu điện tử, số hóa:

* Tài liệu số hóa: Có 9 Bộ sưu tập số

 2.1: Bộ sưu tập số Tài liệu cổ

Thư viện tỉnh Yên Bái hiện đang bảo tồn và lưu giữ vốn tài liệu cổ gồm 294 tài liệu bằng chữ Hán Nôm và chữ Thái cổ. Đây là những tài liệu có giá trị, hầu hết là độc bản (chỉ có một bản duy nhất), được viết tay trên giấy dó, là nguồn tư liệu quý mà Thư viện tỉnh đang lưu giữ, bảo quản và khai thác phục vụ bạn đọc. Hiện nay Thư viện tỉnh Yên Bái đang tiến hành số hóa cho các văn tự này nhằm hạn chế sử dụng bản gốc để bảo quản lâu dài, phổ biến rộng rãi kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học cổ... đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Thông qua Websitehttp://thuvientinhyenbai.gov.vn bạn đọc có thể tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị văn hóa cổ xưa của địa danh Yên Bái. Đây là bộ sưu tập số đầu tiên áp dụng cho vốn tài liệu cổ hiện đang lưu giữ tại Thư viện tỉnh Yên Bái.

2.2: Bộ sưu tập số Luận án - Luận văn

Luận án, luận văn là công trình nghiên cứu khoa học, thể hiện lao động khoa học nghiêm túc, độc lập, sự tìm tòi, sáng tạo, những ý tưởng khoa học của người viết. Trong những năm qua, đã có nhiều tác giả Yên Bái đã bảo vệ thành công luận án, luận văn tại các Học viện, trường Đại học của Hà Nội, Thái Nguyên và một số tỉnh thành phố khác trong cả nước về các lĩnh vực: Kinh tế, Tài chính, Kiến trúc, Văn hóa – Xã hội, Toán học, Chính trị… Đây là các tài liệu có giá trị khoa học về mặt lý luận và thực tiễn, có những đóng góp mới cho sự phát triển khoa học chuyên ngành, phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân địa phương Yên Bái.

Hiện nay, Thư viện tỉnh Yên Bái đang lưu giữ các bản số hóa luận án, luận văn của các tác giả địa phương. Hàng năm, Thư viện tỉnh Yên Bái luôn quan tâm tiếp tục sưu tầm và bổ sung nguồn tài liệu số hóa luận án, luận văn từ nhiều nguồn khác nhau. Để giúp bạn đọc có thể tiếp cận được các tài liệu quý và đặc biệt này, Thư viện tỉnh Yên Bái giới thiệu Bộ sưu tập số “Luận án, luận văn” trên Website: http://thuvientinhyenbai.gov.vn. Bộ sưu tập gồm các bản số hóa toàn văn luận án, luận văn của các tác giả địa phương, được chia thành 5 nội dung chính: Công nghệ; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội; Kinh tế - Tài chính; Nghệ thuật và các ngành khoa học khác. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ nghiên cứu và bạn đọc.

2.3: Bộ sưu tập số Đảng bộ tỉnh Yên Bái

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái.

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái, nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập. Để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Yên Bái, ngày 7 tháng 5 năm 1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái. Ngày 30 tháng 6 năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư - đánh dấu một mốc son lịch sử trong phong trào cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng.

Từ khi được thành lập, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp, đoàn kết nhân dân các dân tộc, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vượt qua bao khó khan, gian khổ cùng cả nước giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quốc phòng, an ninh.

Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Thư viện tỉnh Yên Bái xin giới thiệu Bộ sưu tập số "Đảng bộ tỉnh Yên Bái" trên Website:http://thuvientinhyenbai.gov.vn. Bộ sưu tập tập hợp các tài liệu có trong kho Địa chí của Thư viện tỉnh Yên Bái giới thiệu về sự ra đời, những chặng đường cách mạng vẻ vang, các sự kiện quan trọng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Đảng bộ các huyện, thị xã và Đảng bộ các ban ngành trong tỉnh.

2.4: Bộ sưu tập số Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái

Ở vị trí cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Yên Bái là điểm dừng chân của các dòng người thiên di từ đồng bằng Bắc Bộ lên, từ phương Bắc xuống sinh cư lập nghiệp. Hiện nay, vùng đất Yên Bái là nơi quần cư của 30 dân tộc anh em với dân số trên 780.000 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 54%, dân tộc Tày chiếm 17%, dân tộc Dao chiếm 9,1%, dân tộc Mông chiếm 8,1%, dân tộc Thái chiếm 6,1%... Sự phân bố dân cư các dân tộc ở Yên Bái không có lãnh thổ tộc người rõ rệt, họ sống xen kẽ với nhau. Mỗi dân tộc đều có những vùng quần tụ đông đảo của mình. Các dân tộc cư trú ở những độ cao khác nhau nên phân thành vùng cao, vùng thấp và rẻo giữa. Nhà ở, tập quán sản xuất, đời sống văn hóa của các dân tộc ở mỗi vùng có những nét đặc thù riêng nhưng tất cả các dân tộc đều sinh sống hòa thuận, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phấn đấu đưa tỉnh Yên Bái giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về các dân tộc tỉnh Yên Bái của bạn đọc, Thư viện tỉnh Yên Bái xin giới thiệu Bộ sưu tập số toàn văn “Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái” trên Website: http://thuvientinhyenbai.gov.vn. Bộ sưu tập giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa của 30 dân tộc tỉnh Yên Bái như: Đặc điểm kinh tế, hôn nhân gia đình, tục lệ ma chay, văn hóa, lễ tết, trang phục… Tài liệu trong Bộ sưu tập hiện có trong kho Địa chí của Thư viện tỉnh Yên Bái, được sắp xếp theo từng dân tộc sẽ giúp bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Đây chính là nguồn tài liệu quí để nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2.5: Bộ sưu tập số Tác phẩm văn học Yên Bái

Văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Văn học nghệ thuật đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hướng tới những phẩm chất đạo đức mới, bồi đắp lẽ sống và lý tưởng, nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Cùng với sự phát triển của văn học nghệ thuật cả nước, văn học nghệ thuật Yên Bái đã có những đóng góp quan trọng trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, mảng văn học viết đã có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phản ánh sâu sắc, toàn diện vẻ đẹp của đất và người Yên Bái trong công cuộc xây dựng và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều tác giả văn học Yên Bái đã đạt được những giải thưởng văn học cao quý của Nhà nước và địa phương, tên tuổi của họ luôn gắn liền với đất và người Yên Bái như: Hoàng Hạc, Xuân Nguyên, Bùi Hồng Sính, Ngọc Bái, Vũ Chấn Nam, Dương Soái, Trần Cao Đàm, Hoàng Thế Sinh, Hà Lâm Kỳ, Hoàng Việt Quân, Nguyễn Hiền Lương...

Nhằm giúp cho bạn đọc tìm hiểu về các Tác giả - Tác phẩm văn học địa phương, Thư viện tỉnh Yên Bái giới thiệu Bộ sưu tập số toàn văn “Tác phẩm văn học Yên Bái” trên Website:http://thuvientinhyenbai.gov.vn.Bộ sưu tập gồm các tài liệu có trong kho Địa chí của Thư viện tỉnh Yên Bái với nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, tạp văn, ký, lý luận văn học, phê bình văn học… được chia thành 5 nội dung chính: Truyện; Thơ; Kịch; Ký và Nghiên cứu văn học.

Ngoài các thông tin cơ bản về Tác giả - Tác phẩm của địa phương, Bộ sưu tập sẽ đem tới cho bạn đọc những kiến thức, những bài học bổ ích trong cuộc sống, phát triển những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, vun đắp thêm lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

2.6: Bộ sưu tập số Lịch sử tỉnh Yên Bái

Yên Bái nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và Trung du Bắc bộ. Yên Bái là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai, là một lợi thế trong việc giao lưu với các tỉnh bạn, với các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Trong tiến trình lịch sử, Yên Bái là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991) mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh, huy động tối đa nội lực, kiên quyết chống lại tư tưởng bảo thủ, ỷ lại, bao cấp, huy động và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc, lấy công nghiệp và du lịch làm khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Bộ sưu tập số “Lịch sử tỉnh Yên Bái” trên Website:  http://thuvientinhyenbai.gov.vn. 

2.7: Bộ sưu tập số Tài liệu Tiểu học

Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học (từ lớp 1 đến lớp 5), giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ; bảo đảm cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kĩ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mĩ thuật và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học lên bậc Trung học cơ sở.

Thư viện tỉnh Yên Bái ưu tiên lựa chọn và từng bước số hóa vốn tài liệu hiện có tại thư viện để tạo lập Bộ sưu tập số “Tài liệu Tiểu học”. Nội dung của Bộ sưu tập được chia thành 8 chủ đề, với các lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội; Âm nhạc; Mỹ thuật; Giáo dục giới tính; Kỹ năng sống; Ngoại ngữ; Tin học; Tài liệu dành cho giáo viên. Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo và các em học sinh Bộ sưu tập số “Tài liệu Tiểu học” trên Website: http://thuvientinhyenbai.gov.vnVới mong muốn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản và xây dựng thói quen tự học cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học trong nhà trường.

2.8: Bộ sưu tập số Tài liệu Trung học cơ sở

Giáo dục Trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm học (từ lớp 6 đến lớp 9) nhằm củng cố, phát triển những nội dung đã học ở bậc Tiểu học, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc, kiến thức về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kĩ thuật và hướng nghiệp.

Với quan điểm phục vụ hướng tới người sử dụng, thời gian qua Thư viện tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, đổi mới các phương thức phục vụ bạn đọc, tạo điều kiện để bạn đọc khai thác thông tin một cách thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của công nghệ số. Thư viện tỉnh Yên Bái đã lựa chọn và từng bước số hóa vốn tài liệu hiện có tại thư viện để tạo lập Bộ sưu tập số Tài liệu Trung học cơ sở” đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu và tự bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh trong nhà trường. 

Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu Bộ sưu tập số “Tài liệu Trung học cơ sở” trên Website: http://thuvientinhyenbai.gov.vn. Nội dung của bộ sưu tập được chia thành 8 chủ đề, với các lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội; Âm nhạc; Mỹ thuật; Ngoại ngữ; Tin học; Giáo dục giới tính; Kỹ năng sống; Tài liệu dành cho giáo viên.

2.9: Bộ sưu tập số Tài liệu Trung học phổ thông

Giáo dục Phổ thông trung học được thực hiện trong 3 năm học (từ lớp 10 đến lớp 12) trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục ở bậc Trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học trong nhà trường. Với quan điểm phục vụ hướng tới người sử dụng, Thư viện tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, đổi mới các phương thức phục vụ bạn đọc, tạo điều kiện để bạn đọc khai thác thông tin một cách thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của công nghệ số.

Thư viện Tỉnh xin trân trọng giới thiệu Bộ sưu tập số Tài liệu Trung học phổ thông” trên Website: http://thuvientinhyenbai.gov.vn. Bộ sưu tập được chia thành 6 chủ đề, với các lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội; Ngoại ngữ; Tin học; Giáo dục giới tính; Kỹ năng sống; Tài liệu dành cho giáo viên. Với mong muốn đáp ứng các nhu cầu về giảng dạy, học tập, nghiên cứu và tự bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh trong nhà trường.  

Từ tháng 1 năm 2013, Thư viện tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai số hóa nguồn tài liệu của thư viện. Hiện nay, Thư viện tỉnh Yên Bái có 9 BST số, trong đó vừa là sách scan tại kho thư viện, vừa là sách sưu tầm. Tính đến năm 2021, Thư viện tỉnh Yên Bái đã chia sẻ nguồn lực thông tin số hóa cho các trường học trên địa bàn tỉnh như: Trường CĐ Nghề; Trường PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành; Trường TH &THCS Đông Cuông, Trường THCS Nguyễn Du, Trường PTDTBT – TH & THCS Đại Sơn của huyện Văn Yên; Trường TH &THCS Đại Minh; Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh; Trường TH&THCS Thịnh Hưng; Trường TH Nguyễn Phúc; Trường TH&THCS Mông Sơn… và nhiều cá nhân trong tỉnh.   

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP