Nhu cầu tìm hiểu, khám phá thế giới thông qua đọc sách của người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái không còn theo cách thuần túy, truyền thống mà dần thay đổi với các hình thức đọc sách trên các nền tảng công nghệ.
Em Đỗ Hà My, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Lục Yên đam mê môn Tiếng Anh. Việc đọc sách, tra cứu, tận dụng các ưu thế của công nghệ được My khai thác triệt để bởi thông qua mạng Internet, với tài nguyên học tập phong phú về âm thanh, hình ảnh, hội thoại, My có thể tìm kiếm tài liệu học tập tiếng Anh ở mọi trình độ khác nhau.
Máy tính, điện thoại di động, Ipad, máy đọc sách... giúp học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Lục Yên có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc.
Hiện nay, nhu cầu khai thác, lưu trữ và tìm kiếm các nguồn tài liệu của giáo viên và học sinh ngày càng cao. Máy tính, điện thoại di động, Ipad, máy đọc sách... giúp học sinh có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc. Do đó, Trường THPT Hoàng Văn Thụ đặc biệt quan tâm hướng dẫn học sinh kỹ năng khai thác tài liệu trên các thư viện điện tử và nguồn Internet.
Cán bộ Thư viện tỉnh thực hiện scan số hóa dữ liệu đưa lên trang web phục vụ bạn đọc.
Công việc của chị Bùi Thị Dịu - Kho Địa chí, Phòng Công tác bạn đọc, Thư viên Tỉnh Yên Bái là scan, cắt, xử lý và đưa lên trang web khoảng 300 trang sách, tài liệu để thực hiện nhiệm vụ số hóa tài liệu của Thư viện tỉnh. Đây là một phần trong công tác số hóa tài liệu của Thư viện tỉnh Yên Bái.
Trong hơn 10 năm qua, thông qua các chương trình số hóa tài liệu, trang Thư viện số của Thư viện tỉnh Yên Bái tại địa chỉ http://sohoa.thuvientinhyenbai.gov.vn đã xây dựng các bộ sưu tập số, tài liệu cổ, tài liệu về địa phương, tài liệu phục vụ giáo viên và học sinh các cấp học.
Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là 1 trong 12 trường học trong toàn tỉnh đăng ký chia sẻ dữ liệu thư viện số với Thư viện tỉnh (ảnh trên). Từ tài khoản đăng ký, thư viện nhà trường được tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, nghiên cứu của giáo viên, học sinh.
Từ những ưu điểm vượt trội so với các cách thức tiếp nhận truyền thống, việc chia sẻ, lan tỏa kiến thức trên các nền tảng xã hội đang ngày càng dần trở thành xu hướng. Do đó, cùng tồn tại, phát triển song hành, sách giấy truyền thống và sách điện tử sẽ mang đến cho người đọc trải nghiệm các "kênh” văn hóa đọc đa dạng, hiệu quả hơn, tùy thuộc mỗi đối tượng độc giả.
Trong thời đại công nghệ số, mỗi người dân đều là những "công dân số”
Trong thời đại công nghệ số, mỗi người dân đều là những "công dân số”. Bản chất của việc đọc sách là trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp cảm xúc. Do đó, dù tiếp cận bằng hình thức nào thì cũng cần phải đảm bảo phù hợp cho từng nhóm đối tượng và từng thời điểm, phục vụ mục đích cao nhất của văn hóa đọc là tiếp nhận thêm tri thức và nâng cao dân trí.
Thanh Chi – Đức Toàn
Tin khác