Bạn đọc thân mến!
Bạn đã từng xem cuốn sách “Đồng bạc trắng hoa xòe” đến “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, thì sẽ hiểu được Ma Văn Kháng đã có một bước tiến dài về tư duy tiểu thuyết tái hiện về đời sống vùng cao. Bút lực ngày càng uyển chuyển, tung hoành, ông còn vẽ nên bức chân dung người chiến sĩ cách mạng thật hiên ngang, lẫm liệt đối diện với bao thế lực thù địch, chống phá thời khởi đầu cách mạng. Những khó khăn trong công việc thường nhật, những thử thách nghiệt ngã trong hành trình bảo vệ chân lý cùng nỗi cô độc không tên trong đời sống vợ chồng cứ thế quật ngã ông.
Với cuốn “Một mình một ngựa” bạn sẽ hiểu thêm về dòng văn học tự vấn với khuynh hướng tự truyện của tác giả Ma Văn Kháng. Sách được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2017, gồm 434 trang, khổ 20cm. Ký hiệu: VV51513; MT46258; MT46259; MT46260
Sợi chỉ xuyên suốt của tác phẩm là nhân vật Toàn (một thầy giáo dạy văn - nhân vật chính của tiểu thuyết) thâm nhập, hòa đồng vào cơ quan đầu não của tỉnh ủy Hoàng Liên, tìm hiểu, gặp gỡ từng người để hiểu cặn kẽ về họ, từ lý lịch xuất thân, quá trình công tác, cái tốt lẫn sự xấu. Lấy bối cảnh ở O tròn (nơi sơ tán của cơ quan tỉnh ủy Hoàng Liên trong những năm chống Mỹ) với các nhân vật trung tâm là những người cộng sản trong tỉnh ủy: Năm ông thường vụ, năm ông trợ lý và gần chục cán bộ văn phòng tỉnh. Tất cả họ đều là những đảng viên giữ vai trò quan trọng, mỗi người phụ trách một công việc, trong một hoàn cảnh riêng, tính cách đều mạnh mẽ, khác biệt. Họ đều bảo thủ, cá nhân cho mình là tài giỏi, phi thường. Mỗi người có cách lãnh đạo, xử lý riêng, đúng đắn, xuất sắc, sáng tạo đến mức anh hùng, nhưng có những lúc sai lầm hiển nhiên, ấu trĩ, mông muội, hẹp hòi khó chấp nhận ở họ…
Cuốn tiểu thuyết “Một mình một ngựa” là một thành công lớn, một đỉnh cao của tác giả Ma Văn Kháng. Tiểu thuyết xứng đáng với giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm 2009.
Thư viện tỉnh Yên Bái trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Hiền
Phòng Phục Vụ Bạn Đọc