• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa
Ngày xuất bản: 14/07/2023 8:04:22 SA

 


         Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa” là cuốn sách tập hợp 49 bài viết của tác giả Lê Văn Chương nhằm phản ánh sự anh dũng, kiên cường của những ngư dân bám biển. Họ giống như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa, bất chấp bão tố gian nan để khẳng định chủ quyền đất nước. 

Sách được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2014. Kí hiệu phân loại: 895.9228. Số ĐKCB:  VV47993; MT34677; MT34678; MT34679

Các bài viết được chia theo 7 chủ đề, xoay quanh lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động mưu sinh và sóng gió để bảo vệ chủ quyền… Qua những bài viết như “Vạn lý Hoàng Sa bồi lịch sử”, “Câu chuyện Hoàng Sa từ thư tịch cổ”, “Văn hóa Sa Huỳnh từ dãy Trường Sơn ra biển Đông”, “200 năm bài văn tế lính Hoàng Sa” đã nói lên truyền thống của đất và người Quảng Ngãi, quê hương của hải đội Hoàng Sa - đội hùng binh năm xưa đã vượt sóng biển Đông ra Hoàng Sa… Đến nay vẫn còn lễ hội khao thề lính Hoàng Sa, những bài văn tế, thư tịch cổ, những ngôi mộ gió… minh chứng cho điều đó.

Bạn đọc sẽ hiểu hơn về những hoạt động mưu sinh đa dạng của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như đi lưới cá, tìm hải sâm, hái rau câu, sáng tạo đèn cho ngư dân lặn đêm… Đặc biệt, không chỉ ngụp lặn, đánh cá, ngư dân Quảng Ngãi còn kiêm luôn việc của nông dân là “canh tác trên đảo Hoàng Sa”. Dù vất vả vô cùng nhưng những ngư dân luôn yêu công việc, cuộc sống bám biển của mình. “hì hục cả ngày trong cái nắng đổ lữa giữa quần đảo Hoàng Sa, sau một tháng trở về, nước da của các ngư dân đều đen như ám khói bếp. Nước da càng đen làm nụ cười càng nổi bật. Cuốn sách này còn tái hiện phong tục hay của miền biển trong những ngày Tết đầu năm mới như lễ mở biển, Tết thuyền đầu năm, cúng cụ Hoàng Sa, những phiên biển đầu năm…

Đặc biệt, hiện lên rõ nét là những con người đã trở thành “người hùng trên biển” bởi tấm lòng hào hiệp, dũng cảm. Họ có thể là ngư dân, thuyền trưởng, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển xả thân cứu người, chung sức hỗ trợ ngư dân gắn bó với biển khơi. Đó là “42 ngư dân xả thân cứu tàu bị nạn”, “Vượt 360 hải lý cứu bạn ngoài Hoàng Sa”, “Về từ tâm bão Hoàng Sa”, “Người đương thời trong lòng dân”… Và rồi còn có cả sức mạnh của sự đoàn kết cùng nhau hướng ra biển khơi để làm nhiều việc ý nghĩa như “Con tàu Hoàng Sa của 2.5 vạn công chức”, “Con tàu chở triệu tấm lòng”, “Quỹ hỗ trợ ngư dân là cầu nối tấm lòng”, “Ông Tây yêu Hoàng Sa”… Khi đã có sự “đại đoàn kết”, chúng ta sẽ cùng nhau “tiến ra biển khơi”, cùng làm nên “Thương hiệu biển nhân đôi sức mạnh”, “Nghiệp đoàn ngư dân vươn khơi”, “Báo tuổi trẻ với tủ thuốc cho ngư dân”… 

“Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa” chính là biển tượng tiếp thêm nguồn động lực to lớn giúp các ngư dân kiên trì bám biển và cũng trở thành ý chí kiên định của người dân Quảng Ngãi nói riêng, người Việt Nam nói chung về quần đảo Hoàng Sa - mảnh đất máu thịt không thể tách rời. Chọn “Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa” làm tựa đề cho cuốn sách của mình, tác giả Lê Văn Chương mong muốn nói lên tiếng nói của những ngư dân đi Hoàng Sa, tri ân hùng binh Hoàng Sa hàng trăm năm về trước, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

  Kính mời Quý độc giả tới tìm đọc tại Phòng Mượn người lớn và phòng Đọc tổng hợp - Thư viện tỉnh Yên Bái!  

Hoàng Hiền

 

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP