• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Yên Bái ghi dấu sử thiên
Ngày xuất bản: 07/10/2022 3:06:53 SA

 


            Yên Bái – Cửa ngõ miền Tây Bắc, đẹp và hấp dẫn bởi hình sông, thế núi với đặc điểm nổi bật là dải kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh cùng những cách đồng bằng phẳng đan xen, hệ thống núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông, tạo thành những lát cắt phóng khoáng, trùng điệp. Với lịch sử trải dài từ thời sơ sử, tiền sử cùng những lớp trầm tích theo dòng thời gian chứa đựng những bí ẩn và huyền tích của quá khứ xa xưa; Yên Bái là nơi hội tụ giá trị văn hóa phong phú, độc đáo. Bên cạnh các giá trị văn hóa vật chất, nơi đây còn lưu giữ và bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc… góp phần quan trọng trong việc hình thành con người Yên Bái “ Thân thiện – nhân ái – đoàn kết – sáng tạo – hội nhập”.

Thư viện tỉnh Yên Bái trân trọng giới thiệu tập thơ “Yên Bái ghi dấu sử thiên” của tác giả Lê Văn Cường được Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021, với độ dày 447 trang, khổ 21cm.

 “Yên Bái ghi dấu sử thiên” là tập thơ viết về lịch sử tỉnh Yên Bái từ thời tiền sử đến năm 2020. Với 9.037 câu thơ lục bát, tác giả đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử địa phương một cách tỉ mỉ, công phu đã viết đầy đủ, chu đáo và tương đối toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng… trong những chặng đường lịch sử của tỉnh Yên Bái.

Tập thơ được cấu tạo 8 chương, có phần Vĩ thanh và Phụ lục:

Chương I: Vùng đất lập nên Yên Bái từ thời tiền sử đến trước khi thành lập tỉnh Yên Bái (1900), giới thiệu về “Vùng đất Yên Bái” với những đặc điểm địa lý, tự nhiên và con người thời tiền sử, sơ sử có rất nhiều di chỉ khảo cổ học gắn liền với quá trình hình thành các tộc người, các nền văn hóa cổ xưa, góp phần xây dựng nên nước Văn Lang của Vua Hùng, đem lại cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh niềm tự hào chính đáng: “Địa bàn Yên Bái sinh tồn/ Dấu xưa Việt cổ vẫn còn lưu duyên”.

Chương II: Thành lập tỉnh Yên Bái, ách thống trị của thực dân Pháp (1900 – 1945), tác giả trình bày theo 3 phần: Thành lập tỉnh Yên Bái – Chính sách khai thác, bóc lột của Pháp – Phân hóa xã hội. Ở chương này, tác giả chủ yếu lên tiếng tố cáo tội ác của giặc Pháp và bản chất áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, đẩy nhân dân vào vòng nô lệ, lầm than.

Chương III: Các phong trào yêu nước chống Pháp trước Đảng Cộng sản (1930) được kể với các sự kiện tiêu biểu: Khởi nghĩa Giáp Dần (1914), Việt Nam Quốc dân Đảng Khởi nghĩa Yên Bái (1930), tuy không thành công nhưng đó là “những trang tuấn kiệt tạc hình sử xanh”.

Chương IV: Giành chính quyền về tay nhân dân (1930 – 1945) được trình bày qua các chặng đường cách mạng cụ thể: Phong trào cách mạng từ khi có Đảng, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Yên Bái, Đảng lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền, từ đó rút ra Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm.

Chương V: Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) được tác giả trình bày với 3 phần: Bảo vệ thành quả cách mạng; Kháng chiến thắng lợi; Xây dựng hậu phương vững mạnh. Đây là một chặng đường dài vô cùng gian khổ và anh dũng của quân dân Yên Bái bảo vệ thành quả cách mạng trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” vừa phải “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, vừa phải “diệt giặc ngoại xâm”… và thực hiện đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” cho đến ngày toàn thắng.

Chương VI: Yên Bái trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1954 – 1975), tác giả lần lượt kể về 3 chặng đường: Yên Bái trong “Xây dựng hòa bình”, Yên Bái “vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ”, Yên Bái “ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam”. Nổi lên ở chương này là hình ảnh Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ ngày 24 và 25/9/1958 về thăm Yên Bái, Bác nói chuyện với nhân dân tại buổi mít tinh sáng 25/9/1958 tại sân vận động thị xã Yên Bái

Chương VII: Thời kỳ hợp nhất Yên Bái – Nghĩa Lộ - Lào Cai thành Hoàng Liên Sơn (1976 – 1991) gồm 3 phần: Thời kỳ biến động hành chính – Vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền phía Bắc của Tổ quốc (1976 – 1980) - Ổn định xã hội, phát triển kinh tế, hướng tới Đổi mới (1981 – 1990). Tác giả đã kể khá nhiều thành tích trong lao động sản xuất và chiến công của “ Hoàng Liên Sơn giữ biên thùy”, nhất là từ ngày nổ ra chiến tranh biên giới 17/2/1979 với những việc làm, trận đánh cụ thể, sau đó là sự ổn định hướng về Đổi mới.

Chương VIII: Tái lập tỉnh Yên Bái, đẩy mạnh công cuộc đổi mới (1991 – 2020) gồm 3 phần: Tái lập tỉnh và Đảng bộ Yên Bái – Đảng bộ lãnh đạo thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội (1991 – 1995). Tiếp tục công cuộc Đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế - xã hội (1996 – 2020).

Ở phần “Vĩ thanh”, tác giả tóm tắt lại toàn bộ lịch sử tỉnh Yên Bái và một lần nữa bày tỏ niềm tin tưởng vào Đảng bộ, nhân dân Yên Bái đang phấn đấu trên con đường Đổi mới.

Phần Phụ lục, tác giả chuyển thể truyện thơ lịch sử dân tộc Thái Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng do Lò Văn Biến sưu tầm, dịch (2014) sang thể lục bát với 566 câu. Đây là phần đọc thêm để hiểu về chế độ bản mường ở Mường Lò, nhất là cuộc chiến đấu anh dũng chống giặc Cờ Vàng của đồng bào các dân tộc Mường Lò dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Cầm Ngọc Hánh cuối thế kỷ XVIII, trước khi thực dân Pháp tiến vào Tây Bắc.

Tập thơ Yên Bái ghi dấu sử thiên chuyên chở một khối lượng kiến thức, tư liệu lịch sử địa phương Yên Bái khá đồ sộ, phong phú, tương đối đầy đủ, thật bổ ích, giúp bạn đọc nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, hành trình phát triển của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Sách được phục vụ tại Phòng Địa chí - Thư viện tỉnh Yên Bái

Ký hiệu phân loại:  895.9221

Số đăng ký cá biệt: DC6155

Trân trọng giới thiệu cùng bạn  đọc!

                                                         

   

Nguyễn Thị Hồng Điểm

Phòng Nghiệp vụ

 

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP