• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023): Ngành văn hóa Yên Bái tự hào truyền thống, hướng tới tương lai
Ngày xuất bản: 28/08/2023 2:31:48 SA

Trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, ngành văn hóa không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, làm tròn sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân, đưa văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

 

4 tỉnh Tây Bắc đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: T.L)

 

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong Bản Tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). 

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin. Qua đó cho thấy, ngành văn hóa đã được khai sinh từ Cách mạng tháng Tám và sự hình thành, phát triển của ngành luôn gắn liền với từng giai đoạn đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Trải qua các thời kỳ cách mạng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa luôn tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp công sức, tâm huyết, sát cánh cùng đồng chí, đồng bào, cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu, sản xuất của quân và dân ta, làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. 

Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, ngành đã vượt qua những khó khăn, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với tình hình mới. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Văn hóa.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, ngành văn hóa Yên Bái đã và đang nỗ lực đóng góp sức lực trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước, chung tay xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, toàn ngành đã tham mưu triển khai kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người được xác định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhiệm kỳ (2020 - 2025); Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021); Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ (2020 - 2025), góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Sự nghiệp văn hóa của tỉnh có bước phát triển về quy mô, chiều sâu và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 134 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 121 di tích cấp tỉnh). 

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó có 1 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản của nhân dân. 

Các loại hình văn nghệ dân gian được giữ gìn cùng các sinh hoạt, tập tục, lễ hội truyền thống được lưu truyền, phục dựng... Với 18 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng và 21 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái, đội ngũ nghệ nhân của tỉnh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương. 

Yên Bái đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 và nhiều hoạt động thiết thực để triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái trên địa bàn tỉnh. 

Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030, đề xuất các giải pháp tổng thể cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. 

Thực hiện chủ trương biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng là hướng đi được các địa phương trong tỉnh quan tâm nhằm tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. 

6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Du lịch Yên Bái đón và phục vụ trên 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt. Các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với trên 1.500 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả phục vụ tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp và xây mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. 

Năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82,3%; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 69,2%; cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 89,5%. 

Xây dựng hệ giá trị văn hóa gia đình - nền tảng hình thành, hun đúc khát vọng, tâm hồn, ý chí cho mỗi người dân Yên Bái được chú trọng. Các tiêu chí đánh giá "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc" được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ hộ "Gia đình hạnh phúc” đạt 85,4%; thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” đạt 39,3%. 

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của công tác văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh vùng đất, bản sắc văn hóa, con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập" thông qua các sự kiện đối ngoại, các hoạt động giao lưu văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Yên Bái với các địa phương trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Nhân tố con người được phát huy trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Cùng với cả nước, con người Yên Bái luôn khát khao cống hiến cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế. Phong trào thi đua xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” được triển khai rộng khắp, tạo động lực để người dân Yên Bái tự phấn đấu hoàn thiện bản thân theo 5 chuẩn mực: Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập. 

Thành công của Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và sự phát triển rộng khắp của Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với tỷ lệ tập luyện thể thao thường xuyên đạt 42,5% đã góp phần phát triển toàn diện con người Yên Bái về thể chất và tinh thần.

Đặc biệt năm 2022, thể thao tỉnh nhà chạm tới đỉnh cao của thể thao khu vực với Huy chương Vàng môn bóng ném tại Seagames 31 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc và niềm tự hào của mỗi người dân về vùng đất, văn hóa, con người Yên Bái. 

Với những thành tựu đạt được, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất; nhiều năm liền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua và nhiều bằng khen của Chính phủ, bộ, ngành. 

Tự hào truyền thống, hướng tới tương lai, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đưa sự nghiệp văn hóa - thể thao và du lịch tiếp tục khởi sắc và ngày càng phát triển lên tầm cao mới, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".

 

Lê Thị Thanh Bình 

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch 

Nguồn: baoyenbai.com.vn

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP