Chiến khu Vần - Hiền Lương có vai trò quan trọng trong cuộc vận động cách mạng tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở hai tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và huyện Phù Yên tỉnh Sơn La; đồng thời là căn cứ đảm bảo cho công cuộc chuẩn bị để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).
Tiếp nối những trang viết về đề tài đấu tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, tác giả Trần Cao Đàm đã tái hiện một chiến khu Vần vẻ vang, rạng rỡ cùng các chiến công của các thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh xương máu vì đất nước qua tập truyện ký “Âm vang Ngòi Vần”. Tác phẩm gồm 223 trang do Nhà Xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2016. Đây là tác phẩm thứ tư của ông viết về lịch sử cách mạng Yên Bái. Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2012 - 2015).
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Những người đi trước; Chiến khu Vần và Thời cơ lịch sử đã hiện thực sinh động phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái suốt từ khi vận động để thành lập chi bộ Đảng đầu tiên đến Cách mạng tháng Tám thành công.
Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 1943, khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương và thực dân Pháp ở nước ta đã phải đầu hàng. Chúng câu kết với nhau ra sức bóc lột nhân dân, khủng bố cách mạng, nhiều đảng viên bị bắt, các cấp ủy hầu hết chỉ là ban cán sự do trung ương chỉ định. Vấn đề phải giải thoát được tù chính trị, đưa anh em về bổ sung nguồn cán bộ cho phong trào được đặt ra. Vùng đất Bắc Hạ Hòa của tỉnh Phú Thọ, vùng hữu ngạn huyện Trấn Yên với phía Nam châu Văn Chấn, tỉnh Yên Bái rừng núi hiểm trở nhưng vẫn có ruộng đồng cấy lúa, lại có dân tốt, đi lại dễ dàng. Trung ương đã xác định địa thế vùng này có thể lập thành căn cứ địa cách mạng.
Các đồng chí Bình Phương, Nguyễn Duy Thân, Ngô Minh Loan (Quang Minh) lần lượt được cử lên và ở lại để lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhiệm vụ là làm cho dân hiểu về công việc của cách mạng, ủng hộ cách mạng, đứng về phía cách mạng để tạo ra sức mạnh giúp cách mạng tiến đến mục đích cuối cùng là giành lại nền độc lập cho đất nước. Chiến khu Vần đã trở thành nơi an toàn đón các đồng chí cách mạng kiên trung vượt ngục nhà tù Sơn La, Căng Nghĩa Lộ về và một số hoạt động ở miền xuôi bị lộ lên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Vai trò lãnh đạo của Đảng được khắc họa khá rõ nét trong tác phẩm. Từ một hai đảng viên ban đầu đã phát triển thêm các đồng chí Mai Văn Ty, Nguyễn Hữu Minh, Trần Văn Cần, Đào Đình Bảng, Ma Văn Quế, Đặng Bá Lâu, Lê Văn Ấm và chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng ngày càng lớn mạnh. Sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng tại địa phương là việc thành lập Đội du kích Âu Cơ, gồm 23 cán bộ và chiến sĩ, do đồng chí Bình Phương làm Đội trưởng, đồng chí Ngô Minh Loan phụ trách chính trị.
Ngay sau khi ra đời, Đội du kích Âu Cơ đã bước vào luyện tập quân sự, đồng thời tổ chức chiến đấu bảo vệ chiến khu. Đội du kích đã đánh bại chính quyền địch tan rã và đánh bại các cuộc tấn công của nguỵ quân, quân Nhật. Giải phóng các châu Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Phù Yên, Văn Bàn, Than Uyên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Yên Bái… Đồng thời đã giác ngộ được các chánh tổng Trần Đình Khánh, thuyết phục tri phủ An Văn Tùng cùng tuần phủ Đỗ Văn Bình… đi theo và ủng hộ cách mạng, bảo vệ vững chắc an toàn căn cứ cách mạng chiến khu. Sau khi thị xã Yên Bái được giải phóng, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh ra mắt trước đông đảo nhân dân. Nhân dân càng tin tưởng đi theo cách mạng đánh đổ chính quyền địch, góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa có một không hai của lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945.
Từ những tư liệu có thật của những người đã từng tham gia đội du kích, tham gia chiến đấu tại chiến khu Vần, các chi tiết trong truyện đều là những câu chuyện khá sinh động. Vì yêu cầu phản ánh chân thực hiện thực nhưng phải tôn trọng lịch sử nên sự kiện, nhân vật trong tác phẩm giữ nguyên như vốn có. Tuy vậy, dưới ngòi bút sáng tạo của tác giả, cảnh và người vẫn có sự tươi mới, hấp dẫn như đang diễn ra.
Tâm sự với bạn đọc, tác giả viết: "Tôi tự cảm thấy việc viết là trách nhiệm, là nghĩa vụ của lớp thế hệ sau với người đi trước. Dù khả năng có chừng, tôi cố tiểu thuyết hóa, lắp ghép các tư liệu để ra “Âm vang ngòi Vần".
Tác phẩm của ông là pho tư liệu sinh động, phản ánh chân thực hiện thực lịch sử, giúp bạn đọc hiểu một cách đầy đủ, rõ nét hơn về Chiến khu Vần - Hiền Lương, Đội du kích Âu Cơ và lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Cuốn sách hiện đang được phục vụ tại Phòng Địa chí, Thư viện tỉnh Yên Bái.
Phạm Lan Hương
Phòng Địa chí
Tin khác