Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em. Nhắc đến biểu tượng văn hóa của người Việt là nhắc đến giá trị, thương hiệu quốc gia được thể hiện phong phú và đa dạng trên tất cả các khía cạnh.
Làng quê Việt Nam thanh bình, lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, chứa đựng những giá trị biểu trưng cho trí tuệ, tâm hồn, lối sống của người Việt Nam, hun đúc nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.
Thư viện tỉnh Yên Bái trân trọng giới thiệu cuốn sách “Biểu tượng văn hóa của người Việt ” của tác giả Mai Duyên biên soạn được Nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2023, với độ dày 209 trang, khổ 21cm. KHPH: 306. 09597
Biểu tượng văn hóa của người Việt sẽ giới thiệu đến bạn đọc những biểu tượng đặc sắc trong văn hóa làng quê; biểu tượng văn hóa trên trống đồng Đông Sơn, cồng chiêng Tây Nguyên hay các biểu tượng về linh vật trong tâm thức người Việt. Sách cũng giới thiệu những sắc màu văn hóa trong trang phục của các dân tộc hay trong một số phong tục tập quán của các dân tộc anh em.
Cuốn sách được chia làm 4 chương:
Chương 1: Biểu tượng văn hóa làng quê: Cổng làng – nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Cây đa, bến nước, sân đình trong văn hóa làng quê. Biểu tượng con trâu trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Hình tượng cây tre, hoa sen trong tâm thức người Việt.
Chương 2: Trống đồng, cồng chiêng trong văn hóa Việt: Ý nghĩa những họa tiết trên trống đồng Đông Sơn. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Chương 3: Linh vật trong biểu tượng văn hóa Việt Nam: Rồng – linh vật biểu tượng đại cát đại lợi. Kỳ lân – linh vật biểu tượng cho uy quyền. Nghê - linh vật biểu tượng trấn giữ trừ tàn. Kìm - linh vật tránh hỏa hoạn, cháy nổ. Hổ - linh vật biểu tượng cho sức mạnh, sự oai linh. Chim lạc - linh vật biểu tượng của nước Âu Lạc. Chim phượng - biểu tượng cho sự tái sinh và bất tử. Rùa - linh vật biểu tượng cho sự trường tồn, tài lộc. Hạc - linh vật biểu tượng cho hạnh phúc ấm êm.
Chương 4: Sắc màu văn hóa trong trang phục của các dân tộc: Áo dài – nét đẹp đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Áo tứ thân – trang phục truyền thống của người Kinh Bắc xưa. Áo bà ba – nét đẹp văn hóa của người dân Nam Bộ. Văn hóa truyền thống trong trang phục và hoa văn thổ cẩm của dân tộc Thái. Nét văn hóa trong trang phục của một số dân tộc ở miền Trung và Tây Nguyên.
Chương 5: Sắc màu văn hóa trong một số phong tục, tập tục: Tục ăn trầu – nét đẹp trong giao tiếp. Phong tục ngày Tết Nguyên Đán.
Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Biểu tượng văn hóa của người Việt ” để cảm nhận được tình người xen lẫn nét mộc mạc, chân quê và bình dị của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, từ đó tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, thêm yêu quê hương đất nước Việt Nam xinh đẹp. Đây cũng sẽ là cuốn cẩm nang thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về biểu tượng và sắc màu văn hóa của người Việt.
Sách đang được phục vụ tại kho phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện tỉnh Yên Bái với số ĐKCB: VV56685; MT60167; MT60168; MT60169.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Nguyễn Thị Hồng Điểm
Phòng Nghiệp vụ
Tin khác