• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Khảo cứu múa dân tộc vùng Tây Bắc
Ngày xuất bản: 11/07/2017 12:03:32 CH

            Tây Bắc là một vùng núi non hùng vĩ, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử, những áng sử thi huyền diệu, những trang phục có họa tiết hoa văn độc đáo, là quê hương của những vũ điệu dân gian sôi động, say đắm lòng người...  Những điệu múa dân gian vùng Tây Bắc vừa mang đậm bản sắc văn hóa các tộc người, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân miền núi.

Hơn 60 năm sống và làm việc vùng các dân tộc ở vùng văn hóa Tây Bắc, nghệ sĩ ưu tú Bùi Chí Thanh đã dành ra nhiều năm đi sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật múa của các dân tộc vùng Tây Bắc. Ông đã viết nhiều cuốn sách về văn hóa nghệ thuật múa dân gian các dân tộc vùng Tây Bắc, trong đó cuốn sách “Khảo cứu múa dân tộc vùng Tây Bắc” là một công trình đầy tâm huyết, trí tuệ của ông. Cuốn sách do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành  năm 2017 với 258 trang, khổ 13.5 x 20.5 cm.

Cuốn sách gồm 3 phần:

Phần một: Khái luận

Vùng văn hóa Tây Bắc gồm có các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Yên Bái với 33 dân tộc chính. Nghệ thuật múa vùng văn hóa Tây Bắc, hình thành và phát triển từ 3 – 4 nghìn năm trước đến nay. Qua những động tác, điệu múa, âm nhạc, đạo cụ, trang phục… của múa dân gian cổ truyền đều khẳng định nghệ thuật múa dân gian cổ truyền của dân tộc là nghệ thuật cội nguồn, nghệ thuật tâm hồn dân tộc. Nghệ thuật múa dân gian cổ truyền có nhiều đặc điểm. Những đặc điểm mang tính phổ biến toàn vùng văn hóa nhưng cũng có những đặc điểm riêng về nghệ thuật múa dân gian cổ truyền của từng dân tộc. Một số dân tộc chuyển cư từ các nước láng giềng mang theo các lễ thức, lễ hội và nghệ thuật múa dân gian của mình vào Việt Nam sinh cơ lập nghiệp đã góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú và đặc sắc văn hóa dân gian Tây Bắc.

Phần hai: Một số nhóm múa dân tộc

Giới thiệu 4 nhóm múa: múa gậy, múa quạt, múa khèn và múa tâm hồn dân tộc

Nhóm 1 - Múa gậy: Chiếc gậy luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt và tâm thức con người. Qua những biến thiên của lịch sử, chiếc gậy đã trở thành “sức mạnh khí thiêng” và được tái tạo, kế thừa, phát triển nên những điệu gậy – tác phẩm múa gậy của nền văn hóa dân gian và nghệ thuật múa đương đại của dân tộc Việt Nam. Có một số điệu múa gậy như múa gậy cầu mùa, múa gậy tiền, múa gậy cầu mưa…

Nhóm 2 - Múa quạt: Từ những chiếc quạt giúp cho cuộc sống con người thêm mát mẻ, bình an. Những nghệ nhân và nghệ sĩ tài ba đã dày công tìm hiểu, khám phá rồi phản ánh, tái tạo và sáng tạo, xây dựng nên một hệ thống múa quạt dân gian và đương đại như múa quạt đêm trăng, múa quạt lúa, múa quạt đôi, múa quạt giải hạn…

Nhóm 3 - Múa khèn: Múa khèn đã gắn bó với đời sống của người H’Mông từ rất lâu đời. Múa khèn có rất nhiều điệu: động tác, luật động múa, đội hình phóng phú, đẹp, kỹ xảo khó, nghệ thuật điêu luyện, biểu hiện sâu sắc tư tưởng tình cảm, tính cách, tâm hồn con người và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Người Mông thường múa khèn trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hoặc khi có đám tang, đám giỗ.

Nhóm 4 - Múa tâm hồn dân tộc: Giới thiệu những điệu múa sâu sắc tính tâm linh; múa cánh còn tình; văn hóa lễ tết của người Mường; âm nhạc cồng chiêng – nhảy múa đường làng, đường phố…

Phần ba: Giữ gìn phát triển những giá trị nghệ thuật múa cội nguồn – tâm hồn dân tộc

          Các bài múa, tiết mục múa nghệ thuật đã trở thành một thành tố quan trọng của các lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, đời sống của đồng bào các dân tộc. Bảo tồn múa dân tộc vùng Tây Bắc là một trong những giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Cuối cuốn sách là phần phụ lục gồm các hình ảnh về các điệu múa dân tộc vùng Tây Bắc như: Xòe vòng; Múa Keng lóng, Múa khèn trên chảo nước sôi, Múa tế trời…

Theo GS. TS. NSND Lê Ngọc Cảnh – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, đây là “Một công trình công phu, nghiêm túc, có giá trị lí luận và thực tiễn, công trình mới chuyên sâu về nghệ thuật múa các dân tộc vùng Tây Bắc”

Sách hiện đang được phục vụ tại Phòng Địa chí và Phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh Yên Bái.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

 

                                                                              Phạm Lan Hương

                                                                                 Phòng Địa chí

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP