• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Suy nghĩ về Văn hóa đọc và Thư viện
Ngày xuất bản: 17/08/2023 7:29:33 SA

 


Trong xã hội loài người từ xưa đến nay, nền văn hóa nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách là một sản phẩm diệu kỳ. Sách là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác... Nói gọn lại, trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, tri thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới.

Đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh nhân loại. Bởi lẽ, sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống, giúp con người có thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, lao động, học tập và trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mĩ, tư duy. Tóm lại, sách góp phần giúp “con người sống người hơn” (Karl Marc) trong một xã hội luôn phức tạp và đầy biến động. Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, ở nhiều nước trên thế giới, thư viện và việc tổ chức đọc sách báo cho các tầng lớp nhân dân đã xuất hiện từ hàng nghìn năm nay. Khoảng hơn một trăm năm trở lại đây, ở châu Âu, châu Mĩ và châu Á, những ngày đọc sách, lễ hội đọc sách mang tầm vóc quốc gia đã xuất hiện như một biểu trưng về văn hóa, như lễ hội đọc sách, tuần lễ đọc sách ở các nước: Pháp, Đức, Italia, Mỹ, Nhật, Xinhgapo… nhằm tôn vinh văn hóa trong cộng đồng, đồng thời khẳng định giá trị, vai trò của văn hóa đọc, khuyến khích và đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thư viện tại các nước đó. Ở Việt Nam, từ năm 2006 đến năm 2013, hưởng ứng Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4) hàng năm, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức và phát động Ngày hội đọc sách. Đặc biệt, từ năm 2014, theo Quyết định 284/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam ( sau đó, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1802/QĐ-TTg về Tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam)Có thể nói, từ đó đến nay, Ngày sách và Văn hóa đọc ở nước ta đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng, sự quan tâm chú ý, tài trợ ngày càng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thư viện tỉnh Yên Bái trân trọng giới thiệu cuốn sách “Suy nghĩ về Văn hóa đọc và Thư viện” của tác giả Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới được Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2023, với độ dày 544 trang, khổ 21cm. KHPH: 028

Sách đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Yên Bái với số ĐKCB:  VV56516 ; MT59469

 

Cuốn sách tập hợp 48 bài viết chọn lọc và tiểu luận về nghề thư viện và văn hóa đọc ở nước ta, được tác giả nghiên cứu và viết trong khoảng mười năm trở lại đây. Thông qua cuốn sách này, tác giả muốn nói lên những suy nghĩ của mình về văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Đặc biệt, đưa ra những góc nhìn, những cảm nhận, cùng những suy tư và trăn trở về văn hóa đọc và hoạt động của thư viện Việt Nam trước bối cảnh văn hóa đọc truyền thống đang bị tác động mạnh bởi văn hóa nghe nhìn và việc đọc qua mạng đang chiếm nhiều thời gian và công sức của bạn đọc trên khắp hành tinh… Cuốn sách được xem như những lát cắt, lăng kính đề cập về thư viện đương đại trong kỷ nguyên số, về thư viện trong CMCN 4.0 ; về công tác chuyển đổi số ở Việt Nam, với một cách tiếp cận mới mẻ và lộ trình khách quan, khoa học; để giúp bạn đọc và đồng nghiệp thư viện cả nước có thể tham khảo, phục vụ cho công việc chung. Phần cuối cuốn sách là những trang sách viết dành tặng cho bạn đọc với những bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, khoa học… ở Việt Nam và thế giới, tựa như những giọt nước mát lành làm dịu đi những bận bịu, lo toan công việc của những người cán bộ thư viện qua bao năm tháng nhọc nhằn mà vẫn yêu đời, yêu nghề…

Với sự am hiểu sâu rộng và vốn kiến thức khá dày dặn về nghề thư viện, với lý luận sắc bén và những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, hy vọng cuốn sách “Suy nghĩ về Văn hóa đọc và Thư viện” của tác giả giúp con người Việt Nam thay đổi cách nghĩ, cách tư duy, đặc biệt là cách tiếp cận văn hóa đọc, xây dựng và phát triển thói quen đọc sách báo bằng cả 2 cách (trên giấy và trên mạng Internet) – nhất là cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; để chúng ta không chỉ tự hào về truyền thống yêu nước, về một nền văn hiến Việt Nam, văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, mà còn cần hơn những tri thức, hiểu biết để xây dựng đất nước ta trong kỉ nguyên số, trong Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Thư viện tỉnh Yên Bái trân trọng giới thiệu !

  

Nguyễn Thị Hồng Điểm 

Phòng Nghiệp vụ

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP