• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Truyện cười dân gian Việt Nam
Ngày xuất bản: 12/08/2016 7:44:32 SA

Truyện cười là những câu chuyện được truyền khẩu trong dân gian rất đa dạng. Mỗi lần kể, người kể và người nghe đều cảm thấy vui vẻ, sảng khoái, xua tan đi mệt nhọc, lo toan bộn bề của cuộc sống... Mọi đau khổ, thất bại trong cuộc đời đã khiến con người cần cười để thoát ra, chỉ còn lại tình yêu, niềm tin vào tương lai tươi sáng.

          Để giúp các em hiểu thêm về nét đẹp tinh tế của loại hình này, Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu chọn bộ “Tiếng cườidân gian Việt Nam”, chủ biên Trần Đình Nam do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2012.  Bộ sách gồm 3 tập, sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái A-B-C để các em dễ dàng tìm đọc.

 

          Ba tập sách cùng chủ đề: Truyện cười dân gian Việt Nam sẽ giúp các em tìm hiểu, học tập các kiểu cười dân gian như: Thế nào là cười chân thực, sảng khoái; thế nào là cười châm biếm, mỉa mai; Thế nào là cười hạnh phúc, viên mãn... Khi ông cha ta nói “36 kiểu cười” thì đấy chỉ là một cách nói để chỉ sự phong phú, đa dạng trong tiếng cười của người Việt. Người Việt không chỉ cười khi vui vẻ mà điệu cười ấy còn hàm chứa rất nhiều đắng cay, khổ cực trong cuộc sống.

                                 “Cười như thầy khóa hỏng thi

                            Khóc như thiếu nữ ngày đi lấy chồng”

          Thầy khóa hỏng thi còn cười cái nỗi gì? Thiếu nữ lấy chồng sung sướng quá làm sao mà phải khóc? Thầy khóa cười nhưng trái tim thầy khóa tan nát, nụ cười ấy chính là tiếng khóc. Thiếu nữ khóc nhưng nước mắt ấy của cô thiếu nữ  chính là nụ cười hạnh phúc.

          Chúng ta đọc truyện cười và dễ dàng nhận ra hàng ngàn kiểu cười, không kiểu nào gống kiểu nào. Nhưng nếu nhìn theo con mắt của nhà nghiên cứu thì có thể chia truyện cười ra mấy loại sau:

          1. Truyện cười tiếu lâm: Gây cười, nhưng thường mang yếu tố tục.

          2. Truyện của các làng cười hay chuyện Ba phi: Lại gây cười bằng cách nói xạo, nói láo, bốc phét - (Làng cười này có ở nhiều miền Bắc và miền Trung). Trong mỗi truyện cười này lại thể hiện vô vàn sắc thái khác nhau.

3. Tiếng cười khôi hài: Tiếng cười ở đây chủ yếu là để mua vui, châm biếm nhẹ nhàng.

4. Tiếng cười trào phúng: Phê phán một người, một nhóm ngươi nào đó có những thói hư, tật xấu, đi ngược lại những quan niệm đạo đức truyền thồng văn hiến của người Việt. Đây là loại truyện cười có tính chiến đấu mạnh mẽ, nó như một thứ ám khí, một thứ đoản đao lợi hại, có thể hạ gục đối thủ với những miếng đánh nhẹ nhàng, bất ngờ.

5. Tiếng cười của các ông Trạng: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột...thường hướng vào các nhân vật của giai cấp thống trị, địa chủ, cường hào.

Truyện cười đã góp một phần không nhỏ cho sự phát triển tự nhiên của trẻ thơ và bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho trẻ. Với lứa tuổi luôn khát khao tìm hiểu, bộ sách này sẽ giúp các em nhiều điều bổ ích. Qua tiếng cười Việt các em sẽ nhận ra sự giàu có của tâm hồn, trí tuệ, sức sống mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam mà mỗi người trong số chúng ta phải biết gìn giữ và phát huy.

 

Nguyễn Thị Hồng

Phòng Thiếu nhi

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP