• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Hồ Chí Minh – Tình cảm lớn của Người dành cho văn hóa đọc và ngành thư viện
Ngày xuất bản: 15/04/2024 3:12:35 SA

         Tháng tư về có ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), đây chính  là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh”, chúng ta lại nhớ đến công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Tình yêu thương của Bác dành cho mỗi chúng ta, như nhà thơ Tố Hữu thể hiện bằng những câu thơ đầy cảm xúc:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Trong tình yêu thương mênh mông của Bác, có tình yêu của Bác dành cho văn hóa đọc và ngành thư viện. Nhân dịp ngày Hội sách tháng tư, nhớ tới những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với công tác thư viện và văn hóa đọc tại Việt Nam, Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Hồ Chí Minh – Tình cảm lớn của Người dành cho Văn hóa đọc”. Sách được tác giả Ánh Dương biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2022, gồm 191 trang, in trên khổ 13x21cm, số ĐKCB là: VV55401, MT56894, MT56895, MT56896

Tác phẩm sẽ đưa bạn đọc đến với các nội dung về Văn hóa đọc; Bác Hồ với văn hóa đọc; Phương pháp đọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Văn hóa đọc tạo ra những chuyển biến trong tư tưởng người thanh niên Nguyễn Tất Thành; Vai trò của văn hóa đọc trong suốt hành trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công của Bác Hồ; Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển văn hóa đọc và hệ thống thư viện tại Việt Nam; Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa đọc…

Từ thời thơ ấu, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung luôn gắn liền với học hành và sách vở. Trên chặng đường tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến các thư viện tìm tòi, nghiên cứu. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc lập thư viện để cán bộ, nhân dân có nơi đọc sách nâng cao trình độ và vấn đề “diệt giặc dốt” để khắc phục chính sách ngu dân do Thực dân Pháp để lại. Sau lễ Độc lập, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 13 về việc chuyển giao các thư viện công. Ngày  31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu xuất bản phẩm trong cả nước. Là một Chủ tịch nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong ước Việt Nam có hệ thống trường học, thư viện, nhân dân được sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Bác Hồ đã đi xa nhưng tình cảm, sự cống hiến của Người dành cho văn hóa đọc, công tác thư viện ở Việt Nam nói riêng, công tác nâng cao dân trí, phát triển xã hội nói chung mãi mãi không bao giờ phai trong trái tim người dân Đất Việt. Hy vọng, cuốn sách “Hồ Chí Minh – Tình cảm lớn của Người dành cho văn hóa đọc và ngành thư viện” sẽ mang lại nhiều bài học quý giá trên con đường vươn tới những chân trời tri thức của bạn đọc.

Thư viện tỉnh Yên Bái xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Thị Thái

Phòng Nghiệp vụ

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP