• Loading...
Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. (Henry David Thoreau)
 
Nhớ về Bác Hồ, đọc Sơn Tùng – Nhà Hồ Chí Minh học
Ngày xuất bản: 12/10/2023 5:48:50 SA

        Trên thế giới đã có rất nhiều tác giả viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Riêng ở nước ta, nhà văn Sơn Tùng có nhiều tác phẩm viết về Bác. Những tác phẩm như: Búp sen xanh, Hoa dâm bụt, Bông sen vàng, Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác Hồ định đô Thăng Long – Hà Nội, Cuộc gặp gỡ định mệnh, Bác Hồ - biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người, Trái tim quả đất…

Nhân vật trung tâm và cũng là nhân vật được khắc hoạ thành công nhất của nhà văn Sơn Tùng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà văn Sơn Tùng viết về Người bằng tất cả lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác của ông chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân thực về sự hình thành nhân cách, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử đất nước và thời đại. Ông dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài 20 tuổi đến năm hơn 80 tuổi để tìm hiểu về Bác. Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự: suốt hơn ba mươi năm cầm súng, cầm bút, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết vào công việc ghi chép về thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông đã tìm gặp anh chị của Bác Hồ và hỏi han được nhiều điều quý giá. Từ đó, ông lần theo đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để hỏi han với một thái độ, một trách nhiệm, một tình cảm như một người làm công tác khảo cổ học. 

Từng tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng đã dần dần xây đắp nên hình tượng Hồ Chí Minh vĩ đại, hình tượng Bác Hồ kính yêu. Qua Sơn Tùng, hình tượng Bác Hồ ngày càng đầy đủ, gợi vẻ toàn bích hoành tráng mà vẫn thân gần, dễ tiếp nhận và rất có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn

Thư viện tỉnh Yên Bái xin giới thiệu đến bạn đọc các tác phẩm đặc sắc của nhà văn Sơn Tùng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang có tại các phòng phục vụ của thư viện.

Xin trân trọng giới thiệu!

 

 

SƠN TÙNG

         Bác Hồ biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người / Sơn Tùng. - H. : Thanh niên, 2017. – 311tr. ; 21cm

         KHPL : 170                 

         ĐKCB : VV50564, MT43558

 

Bác Hồ đã đi xa chúng ta mấy mươi mùa xuân, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách và tấm lòng vì dân, vì nước của Người đã để lại cho muôn đời sau vẫn mãi là những tài sản vô giá, trong đó tình yêu thương con người của Bác luôn tồn tại vĩnh hằng trong trái tim của mọi người dân Việt Nam.

Cuốn sách Bác Hồ - biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người nằm trong tuyển tập “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do tác giả Sơn Tùng biên soạn, là quyển sách nói lên tình yêu thương vô bờ bến của Bác đối với toàn dân tộc.

Với độ dài 310 trang, tập hợp 20 câu chuyện được kể lại từ những người cán bộ đã trực tiếp gần gũi Bác trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Thông qua quyển sách chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về lòng bao dung, vị tha của Bác dành cho tất cả mọi người:

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người!

Bác luôn dùng lòng yêu thương của mình để đối nhân xử thế, vì vậy chúng ta cần phải học tập, phấn đấu và rèn luyện hơn nữa theo tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương con người ở nơi Bác để xứng đáng với tình yêu bao la của vị Cha già dân tộc.

 

SƠN TÙNG 

          Bác Hồ định đô Thăng Long – Hà Nội / Sơn Tùng. – H. : Thanh niên, 2010. – 254tr. ; 21cm. – (Bộ sách kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh)

          KHPL : 959.704092

          ĐKCB : VV40644 ; VV40645 ; MT15042 ; MT15043

 

          Bác Hồ định đô Thăng Long – Hà Nội tác giả dẫn dắt người đọc trở về những miền quê, những nẻo đường đất nước và khắp châu Á, châu Âu… nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bôn ba tìm đường cứu nước – con đường gập ghềnh, chông gai với trí tuệ, phẩm cách và nghị lực phi thường của một vĩ nhân với những trăn trở, những buồn vui, những yêu thương của con người. Dù câu chuyện có thể rất khác nhau, trong những không gian và thời gian khác nhau nhưng mỗi trang viết của nhà văn đều bày tỏ thêm một nét mới trong tâm tình, trong đời sống, trong nhân cách Hồ Chí Minh thông qua sự ngưỡng vọng, tri âm tri kỷ của những ai từng được gặp gỡ, làm việc và đồng tâm, đồng cảm với Bác.

 

SƠN TÙNG

          Bác về / Sơn Tùng. – H. : Phụ nữ, 2000. – 270tr. ; 21cm

          KHPL : V24

          ĐKCB : VV22647 ; VV22648 ; MT6293 ; MT6294

 

Đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến hai tiếng thiêng liêng "Bác Hồ" thì có lẽ không ai không xúc động, bồi hồi, lòng dâng trào những cảm xúc khó tả. Thứ cảm xúc ấy giống như mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ.

Bác Hồ - Vị cha già vô vàn kính yêu của chúng ta cả cuộc đời là một sự cống hiến, hi sinh cho dân tộc, cho sự nghiệp cách mạng. Người không chỉ khai sinh ra một nước Việt Nam tự do, độc lập mà còn là chiến sỹ kiên cường của cách mạng thế giới, là một danh nhân văn hóa. Chính vì thế Bác luôn là hình mẫu lý tưởng trong việc hình thành nhân cách và lý tưởng cách mạng của mỗi người dân Việt Nam và cũng là hình mẫu cho nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị. Cũng như bao nhà văn, nhà thơ khác, tác giả Sơn Tùng đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết "Bác về"   với hai nhân vật chính là bà Nguyễn Thị Thanh người chị gái  Bác Hồ và Bác Hồ. Một cuốn cuốn tiểu thuyết dành cho nhiều thế hệ độc giả, từ khi ra đời cho đến nay cuốn sách đã đón nhận nhiều tình cảm của độc giả ở mọi lứa tuổi, ở mọi vị trí xã hội không phân biệt sang hèn.

Cuốn sách chia thành 3 chương

Chương I: Chị em đoàn tụ

Chương II: Cuộc gặp gỡ định mệnh

Chương III: Bác về

Lật giở cuốn sách độc giả đã có một niềm cảm xúc sâu lắng dưng dưng đến rơi lệ, khi nghĩ về một vị lãnh tụ, suốt bao nhiêu năm bôn ba tìm kiếm tự do cho dân tộc. Nay trở về bận tới trăm công nghìn việc, lo cho dân, cho nước, mặc dù trong lòng nhớ quê hương, nhớ người thân ruột thịt đến da riết nhưng chưa thể về thăm. Nơi quê nhà người chị gái giờ đã trở thành một bà cụ già nua, gày guộc tối ngày chỉ biết làm bạn với “ông bình vôi” một kỷ vật của Cụ Hoàng Thị Loan thân sinh ra Bác Hồ để lại. Dẫu biết rằng tuổi già cô quạnh, nhưng Cụ Thanh (chị gái Bác Hồ) vẫn quyết không làm vướng bận Bác dù ai có khuyên thế nào thì cụ vẫn giữ quan điểm: không để Bác phải mang tiếng là một vị lãnh tụ: “ Thượng vị gia hạ vị dân” và cụ giải thích rằng: “ Tấm gương trong mà không siêng lau chùi để bụi bám bẩn sẽ hoen ố. Một người đã có được trăm điều hay mà phạm phải một điều dở thì thói đời chỉ thấy cái dở che khuất những điều hay của người đó…”.

 

SƠN TÙNG

      Bông sen vàng : Tiểu thuyết / Sơn Tùng. – H. : Nxb. Hội nhà văn, 2003. – 435tr. ; 19cm

      KHPL : V23

      ĐKCB : VV27963 ; VV27964 ; MT7747 ; MT7748

                                               

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng và nhân cách của Người mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo…

Nhà văn Sơn Tùng là một tác giả đã để lại dấu ấn sâu sắc trong mảng đề tài sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm (1987 - 2022) UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản ấn phẩm "Bông sen vàng" của nhà văn Sơn Tùng. Đây là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bằng tình cảm sâu lắng và lòng thành kính đối với Bác, tác giả đã đi sâu phân tích, làm rõ về tuổi niên thiếu vô cùng sinh động, phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bông sen vàng tập trung vào quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh, miêu tả xuất sắc những sự kiện xoay quanh gia đình của Bác.

Qua tác phẩm Bông sen vàng, nhà văn Sơn Tùng đặc tả sự hình thành nhân cách của Bác Hồ thời bé, trong những năm đèn sách tại gia ở Huế với quãng đời quan trọng nhất của Bác Hồ thời niên thiếu. Ta có thể thấy Bác đã được giáo dục rất tốt, có tấm lòng bao dung độ lượng với những phận đời nghèo khổ, có trí thông minh nhưng không hề chủ quan, luôn muốn học hỏi thêm, đặc biệt, là tinh thần yêu nước sáng ngời.

Qua cuốn sách, người đọc hiểu thêm về tuổi thơ nhiều thăng trầm của Bác: Lúc bình yên, êm ấm với cha mẹ bên mâm cơm đạm bạc và sống trong sự quý mến của xóm giềng, sau đó lại phải trải đầy biến cố, đau thương, mẹ và em trai mất. Nỗi đau quá lớn đối với một đứa trẻ lên mười, chứng kiến cảnh mẹ mất, em trai đỏ hỏn khát sữa trong khi cha đang vắng nhà. Đi qua những sóng gió ấy, người đọc được biết thêm về những người bạn thuở niên thiếu đã đồng hành cùng Người suốt những tháng năm vui buồn, những cô Hạnh, anh Tuấn, cậu Kỳ, anh Quang,… hết lòng giúp đỡ, chia sẻ khi Người còn là cậu bé Nguyễn Sinh Côn.

Cuốn sách toát lên nét đẹp dung dị và tinh thần nhân văn, sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, động viên thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc, rèn luyện bản thân thành người có phẩm cách lớn. 

 

SƠN TÙNG 

         Búp sen xanh : Tiểu thuyết / Sơn Tùng. – H. : Kim Đồng, 1984. – 252tr. ; minh hoạ ; 19cm

         KHPL : V23

         ĐKCB : VV18662

 

          Búp sen xanh đã dựng lại quãng đời niên thiếu của Bác Hồ một cách công phu, thể hiện quá trình hình thành tính cách của bậc vĩ nhân mà tầm tư tưởng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được cả thế giới ngưỡng mộ.

         Sinh ra và được giáo dục trong một gia đình nho học nghèo yêu nước, luôn gần gũi với nhân dân lao động, được truyền thống quê hương hun đúc, cậu bé Côn vốn thông minh ham hiểu biết đã dần dần hình thành chí lớn đi tìm đường cứu nước, để rồi về sau trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta. Nội dung câu chuyện được tác giả kể thật hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ta hãy đến Nghệ An những năm 1890: Tại làng Chùa, huyện Nam Đàn đang diễn ra một sự kiện trọng đại của một gia đình… Trong làng Chùa nhoè khói sương lam, cánh cổng trống làm bằng khung tre kết cành rào, hình chữ nhật đã được sập xuống, cài chặt. Khu vườn nhà ông đồ Hoàng Xuân Đường trở nên một cõi riêng biệt, kín bưng. Hương sen từ ngoài đồng bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng toả ra ngào ngạt. Bà Hoàng Thị Loan vừa sinh hạ người con thứ ba. Khi ấy chưa ai biết rằng ngày này sẽ trở thành một mốc son lịch sử, không chỉ cho gia đình thầy Nguyễn Sinh Sắc, mà cho cả đất nước Việt Nam. Đó là ngày chú bé Nguyễn Sinh Côn – Hồ Chí Minh ra đời. "Tôi đặt tên cho cháu là Côn, tự là Tất Thành", ông ngoại Côn giải thích. Tại sao ông ngoại lại đặt cho cậu bé cái tên như vậy? Cái tên ấy có ý nghĩa gì? Trong Búp sen xanh đã giải thích thật lý thú.

         Với tấm lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn, Sơn Tùng trung thành với sự thật lịch sử và đã thể hiện thành công tính cách nhân vật chính. Một số chi tiết và nhân vật phụ cũng được thể hiện thành công, góp phần khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật trung tâm, thể hiện rõ chủ đề tư tưởng. Đó là sự sáng tạo hợp lý và cần thiết. Nhân vật Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác Hồ, là một nhà trí thức yêu nước. Qua việc mô tả nhân vật này, tác giả làm sống lại không khí một giai đoạn lịch sử giao thời giữa hai thế hệ đang tìm đường cứu nước. Tác phẩm còn đề cập tới một loạt nhân vật lịch sử có thật như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quý… Mỗi nhân vật mang một nét riêng, nhưng tất cả tạo nên bức tranh toàn cảnh về một lớp người trí thức yêu nước cuối thế kỷ hai mươi.

         Búp sen xanh cũng làm sống lại  những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là tính hiếu học, tình thày trò, tình làng nghĩa xóm, tình bạn… Những sinh hoạt văn nghệ dân gian như hát phường vải, múa đèn, hát xẩm…

 

SƠN TÙNG 

              Cuộc gặp gỡ định mệnh / Sơn Tùng. – H. : Chính trị quốc gia, 2008. – 199tr. ; 21cm

              KHPL : 3K5H6

              ĐKCB : VV37242 ; VV37243 ; MV20781 ; MV20782

 

Trong những năm 1945 -1946, vận mệnh đất nước như "nghìn cân treo sợi tóc", thực hiện sách lược "hòa để tiến", với tư cách là thượng khách của nước Pháp, Bác Hồ sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn để đất nước ta có điều kiện chuẩn bị thêm về mọi mặt trước khi tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. 

Hành trình chuyến đi này đã được ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của Bác ghi lại.
          Sau gần 4 tháng ở Pháp, Bác Hồ trở về nước và lần thứ hai tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 31-10-1946 đã giao trọng trách cho Bác thành lập Chính phủ mới để chèo lái con thuyền cách mạng. Những sự kiện lịch sử quan trọng này đã được tác giả Sơn Tùng viết và biên soạn trong cuốn sách Cuộc gặp gỡ định mệnh

 

SƠN TÙNG

          Hoa râm bụt / Sơn Tùng. – H. : Thông tấn, 2007.- 399tr. ; 21cm

          KHPL : 3K5H6

          ĐKCB : VV35951 ; VV35952 ; MV19710 ; MV19711


           Gồm những câu chuyện xuyên suốt như: Đi tìm ẩn tích Hồ Chí Minh, chung một tình thương, những nhân cách,… Hoa râm bụt là chân dung một nhân cách, nhà cách mạng, danh nhân văn hóa, một tình bạn lớn Hồ Chí Minh đầy mới mẻ trong lòng bạn bè Quốc tế và trong mỗi người dân Việt. Với Hoa râm bụt, Sơn Tùng đã đóng góp được một tiếng nói riêng, có giá trị bậc nhất vào việc tìm hiểu Hồ Chí Minh, ông không miêu tả mặt vĩ đại của Bác, anh lo tìm hiểu làm sao một con người bình thường như Nguyễn Tất Thành trở thành Hồ Chí Minh. Ông không tìm cái phi thường, ngoại lệ mà đi tìm cái chung, cái chữ “Thành” suốt đời không thay đổi của một con người trải qua muôn vàn thay đổi trong muôn vàn hoàn cảnh khác nhau, cực khổ có, vinh quang có, bị hiểu lầm có, được ca ngợi có. Chỉ có Hồ Chí Minh mới không bao giờ dùng quyền lực với ai, trái lại giữ thái độ chân thành của một nền văn hóa trong thế giới tương lai, tạo nên sự hội nhập trong tình hữu ái mới của thế giới.

Trong Hoa râm bụt, Sơn Tùng đã cho ta thấy chân lý mới của thời đại: Không phải bạo lực, tiền của thay đổi được thế giới mà chính là sự chân thành, tình nghĩa, sự quan tâm lẫn nhau sẽ giúp mọi người khắc phục được các thành kiến để dẫn đến chấp nhận nhau, đặc biệt chấp nhận sự lựa chọn chung: Đi đến hạnh phúc chung trong hòa bình, hữu nghị.

 Hoa râm bụt sẽ là cuốn sách quý giá và  bổ ích để tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu của dân tộc

 

SƠN TÙNG 

          Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh / Sơn Tùng. – H. : Thanh niên, 2008. – 225tr. ; 21cm

           KHPL : V23

           ĐKCB : VV37969 ; VV37970 ; MT21232 ; MT21233        

Trong tài liệu nhà văn Sơn Tùng không chú trọng đề cập đến chủ đề vĩ nhân mà ông chỉ muốn nói đến nguồn sáng Tâm Đăng Hồ Chí Minh. Vậy Tâm Đăng Hồ Chí Minh là gì? Xin thưa, Đăng là ngọn đèn, là nguồn sáng. Còn Tâm là gì? Đây hoàn toàn là mộ khái niệm của triết gia Phương Đông: Tâm là tâm trí, tâm tuệ, tâm thức, tâm hồn, tức là toàn bộ tinh thần của một con người. Khi chúng ta đến bên Người, chúng ta được Tâm Đăng của Người toả sáng vào trí tuệ và tâm hồn chúng ta, ta bống thấy ta sáng ra, nhận thức, tư duy và tư tưởng của mỗi chúng ta được nâng lên, thậm chí trong giây phút ấy, mỗi chúng ta cảm thấy được hoá thành Người, được đứng ngang tầm với vĩ nhân. Thật là kỳ diệu! Nguồn sáng của tâm đăng Hồ Chí Minh là sức mạnh tinh thần, toả sáng và hấp dẫn mọi người đi về phía chân lý, về phía văn minh, về với nhân nghĩa, với nhân đạo, với Con Người.

Giờ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chuyển hướng, Việt Nam là bạn của mọi dân tộc trên thế giới, theo con đường đa dạng hóa, đa phương hóa mà thực chất là theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuốn sách Sáng ánh Tâm Đăng Hồ Chí Minh có nhã ý nhắc nhở mọi người rằng càng đi về phía cội nguồn, về bản sắc văn hóa dân tộc, về truyền thống dân tộc thì chúng ta gặp Bác Hồ trong nguồn sáng Tâm Đăng của Người, bởi vì Người là sản phẩm của văn hóa Việt Nam. Của truyền thống Việt Nam và của tinh hoa nhân loại.

 

SƠN TÙNG

          Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh / Sơn Tùng ; Bùi Sơn Định sưu tầm, tuyển chọn. – H. : Văn học ; 21cm

          Q.1. – 2019. - 829tr.

          KHPL : 959.7043092           

          ĐKCB : VV54791 ; VV55482

 Quyển 1 tập hợp 47 truyện, ký, là những câu chuyện giản dị về Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác, được đan cài trong nhiều sự kiện, nhiều nhân vật không thuần túy là tư liệu lịch sử mà có cả sự hòa trộn giữa ký ức, hồi ký và tự bạch của tác giả trong quá trình viết... như Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Cuộc gặp gỡ định mệnh, (hay Mẹ về, NXB Phụ nữ), Bác ở nơi đây, Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga, Hoa râm bụt, Bác Hồ - biểu tượng kiệt xuất tình yêu thương con người, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Những ngày bên Bác, Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn (Báo Sức khỏe và Đời sống, năm 2002)... Nội dung những câu chuyện giản dị về Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác được đan cài trong nhiều sự kiện, nhiều nhân vật không thuần tuý là tư liệu lịch sử mà có cả sự hoà trộn giữa ký ức, hồi ký và tự bạch của tác giả trong quá trình viết

 

SƠN TÙNG

          Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh / Sơn Tùng ; Bùi Sơn Định sưu tầm, tuyển chọn. – H. : Văn học ; 21cm

          Q.2. – 2020. - 895tr.

          KHPL : 959.7043092           

          ĐKCB : VV54815 ; VV55490

Quyển 2 gồm ba tiểu thuyết: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim - Quả đất. Búp sen xanh nói về khởi thủy gia đình và quãng đời thơ ấu của Hồ Chí Minh cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước; Bông sen vàng, ở diện hẹp hơn cũng nói về thời ấu thơ và tuổi trẻ của Bác với tên gọi Nguyễn Sinh Côn sống với cha mẹ ở Huế - một trung tâm văn hóa, chính trị thời bấy giờ... Đây là quãng thời gian rất quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân cách và tư tưởng của Bác sau này. Trái tim - Quả đất tái hiện một chiến dịch quân sự mà Bác Hồ là nhân vật trung tâm lãnh đạo, với một trái tim chan chứa tình yêu thương nhân loại đang chịu nhiều khổ cực... Ngoài những ý trên, bộ ba tiểu thuyết có một điểm chung là nói lên được nhân cách một người học sinh, nhân cách một người thanh niên yêu nước, nhân cách của một vị lãnh tụ.

                                                                     Chu Thị Hạnh

                                                                  Phòng Nghiệp vụ

 

XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

THƯ VIỆN VIDEO

LƯỢT TRUY CẬP